Phố Cổ Hà Nội Sống Và Động

Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể di sản đô thị có giá trị lịch sử tiêu biểu cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Với quy mô trên 82ha, đây là khu vực có mật độ của các công trình di tích cao nhất cả nước với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, hội quán, miếu, am, đình thờ tổ nghề gắn với các phố nghề truyền thống... Trong đó, tiêu biểu là các di tích đền Bạch Mã - trấn phía Đông (một trong trong Thăng Long tứ trấn), ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn lại trong 18 cửa ô của Hà Nội) và nhiều công trình nhà ở với loại hình kiến trúc giá trị. Với cấu trúc giao thông đặc trưng, loại hình nhà ống với các lớp nhà - sân, những giá trị về di sản đô thị, văn hóa, lịch sử…, từ ngày 05/4/2004, khu phố cổ Hà Nội được vinh dự đón nhận Danh hiệu "Di tích lịch sử quốc gia” theo Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT của Bộ VHTT.

Sống

Từ khi hình thành tại khu vực giáp dòng sông Hồng (về phía Bắc và phía Đông), phố cổ trở thành phần thị của thành (liền kề về phía Tây) với các phường hội, khu phố nghề cung cấp các mặt hàng phục vụ kinh thành. Với vị thế đất cao, tốt lại thuận tiện giao thương đường thủy, bộ và đường sắt (cầu Long Biên phía Đông Bắc), nên nơi đây trở thành khu vực có mật độ dân cư, mật độ xây dựng và hoạt động kinh doanh buôn bán thuộc loại lớn nhất cả nước.

Đến nay phố cổ vẫn sống và sống ở mức cao. Cùng với chợ đầu mối Đồng Xuân - Bắc Qua là các con phố đều tham gia vào hoạt động dịch vụ, buôn bán tạo nên một chợ trời khổng lồ giữa trung tâm đô thị lịch sử. Các mặt hàng tuy theo phố nhưng không hẳn cố định, được linh hoạt thay đổi, thích ứng. Cấu trúc nhà cũng vì thế mà thay đổi theo. Từ chỗ cấu trúc công trình gồm cả cửa hiệu - nơi ở - xưởng sản xuất đến nay bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nhập từ khắp nơi thì công trình lại phá bỏ cả không gian sân trong để có được diện tích lớn nhất.
Không cần đến bảo tồn, phát triển du lịch thì phố cổ vẫn luôn động chân động óc để sống ngày sống đêm. Đó là những minh chứng về sự sống của phố cổ Hà Nội, khác biệt với các khu phố cổ khác ở Hội An, Huế hay TP.HCM.
Dự án giãn dân phố cổ sang khu vực mới có từ hơn chục năm nay nhưng vẫn khó thực hiện dứt điểm bởi người đã đi nhưng lòng đều muốn giữ lại hộ khẩu phố cổ để được hưởng các lợi thế về trường điểm, bệnh viện, dịch vụ… chất lượng cao của Q.Hoàn Kiếm. Với lợi thế, giá trị đất tại khu phố cổ Hà Nội luôn ở vị trí cao nhất cả nước đó mà xuất hiện câu vè đối từ xa xưa “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố Cổ”.

Động

Để sống thì vẫn phải gìn giữ các giá trị gốc và phát huy chúng lên. Thử tưởng tượng nếu một phố cổ ngày nay với toàn bộ các công trình xây mới chen chúc, lộn xộn thì chắc chẳng ai muốn đến vì không lưu được ký ức của nơi chốn… Còn để động thì phải bổ sung sức sống mới, các chức năng mới, huy động và thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Nói vậy, không phải là phố cổ Hà Nội chỉ sống kiểu nằm yên hưởng lộc trời hay phá đi để không ai đến. Đến phố cổ Hà Nội những ngày này mới thấy sự chuyển biến mạnh mẽ để tiếp tục phát huy lợi thế của khu vực và thực sự phố cổ đã chuyển động mạnh, kể từ đơn vị quản lý đến dân cư khu vực.
Không chỉ là sống động, thích ứng thay đổi mặt hàng buôn bán mà hình ảnh những công trình cao tầng xây dựng vượt quá nhiều lần về quy mô, đột phá cả về không gian hình thái… đã cho thấy một phố cổ luôn động, biến hóa để thích nghi, khai thác tối đa giá trị và diện tích đất.
Phía người dân, phía chính quyền cơ quan cũng thực sự động đậy và đem lại hiệu quả tích cực, làm sống động khu phố cổ Hà Nội. Mô hình quản lý phố cổ cũng được chuyển từ 1 Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Trưởng ban nay do Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm và đặc biệt là BQL phố cổ Hà Nội - đơn vị trực tiếp quản lý với chủ yếu là lực lượng trẻ đã làm chuyển biến, sống động cho cả khu phố cổ Hà Nội, tạo nên những từ ngữ mới như thương hiệu “ngã tư quốc tế Tạ Hiện”, “phố đi bộ đêm”…
Các hoạt động sống động về đêm không đơn điệu chỉ là các ki-ốt buôn bán dọc phố Hàng Đào - Hàng Đường - Hàng Ngang - Chợ Đồng Xuân hay ăn uống mà còn là những hoạt động văn hóa như tái tạo các lễ hội truyền thống về phường nghề, cuộc sống xưa, hát chầu văn, biểu diễn văn nghệ với các nhạc cụ hiện đại, dân tộc tại các nút giao thông trên các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp 1 đi bộ rép rắt mỗi góc phố hay dồn dập phố Tạ Hiện.
Việc cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đặc biệt quan tâm. Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (1998 - 2000), Q.Hoàn Kiếm đã xã hội hoá 50%, cải tạo toàn bộ hố xí thùng trong khu phố cổ Hà Nội (thời điểm dân cư đông, trên 80.000 người; mật độ 1.000 người/ha, cao nhất cả nước). Cũng vào thời điểm này, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân khu phố cổ, sử dụng hệ thống nước sạch Phần Lan, hệ thống cấp điện được nâng cấp, phát triển hệ thống viễn thông. Ngoài ra, không chỉ là việc ốp lát vỉa hè, bó hay hạ ngầm đường dây, chỉnh trang mái che mái vẩy, mà rộng hơn là chỉnh trang kiến trúc, bộ mặt đường phố cả tuyến phố như Tạ Hiện, Lãn Ông…

Ấn tượng nhất là nỗ lực giải phóng mặt bằng, khôi phục các điểm di tích gắn với phố Cổ như đền Bạch Mã, đình Nam Hương, đình Yên Thái, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Thành, đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Tân Khai, chùa Thái Cam...
Những nhu cầu thiết yếu của cư dân cũng được quan tâm như cải tạo chỉnh trang Trường Tiểu học Hồng Hà (40 phố Lãn Ông), việc tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian cho trẻ em, các khu vệ sinh hiện đại…
Các tổ chức dân phòng khu phố cũng tham gia công tác an ninh buổi đêm trong phố đi bộ. Công ăn việc làm được tạo dựng thêm cho mọi cư dân phố cổ. Những hộ lớp trong cũng tạo nên những công việc như trông xe hoặc buôn bán nhỏ dọc phố, nếu kiểm soát. Nếu dần dần kiểm soát được giá cả trông xe thì khu phố cổ thực sự tuyệt vời đối với mọi du khách dù khó tính nhất. Sự sống động của khu phố cổ đã thu hút những đơn vị, tổ chức nước ngoài quan tâm, hỗ trợ…
Từ năm 1995, Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ. Năm 1999, UBND TP Hà Nội ban hành Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội. Nhưng phải sau gần 20 năm, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Quy chế lần này mới, thực sự thúc đẩy khu phố cổ Hà Nội tiếp tục sống, khắc phục các hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Phố cổ Hà Nội tự thân đã sống. Chính quyền và nhân dân khu phố cổ đang làm sống động thêm, bổ khuyết tăng cường chức năng mới để khu phố cổ không chỉ là minh chứng của một thực thể trong cấu trúc đô thị Hà Nội xưa mà còn là thể hiện sức sống của sự quản lý, kiểm soát hiệu quả, minh chứng cho các quy định quản lý là khả thi và hiệu quả, gắn bó và thiết thực vị dân sinh.