Trà Của Xứ Thái

Lược đi những chi tiết dã sử, cây chè Thái Nguyên được đưa về trồng khoảng vào năm 1920, thuộc giống chè Trung du, có tên khoa học rất dài và rất khó nhớ là: Camellia sinensis var. Macrophylla.

Theo trí nhớ của những già làng Tân Cương thì ngay từ lứa sản phẩm đầu tiên và suốt những năm sau đó, chè Tân Cương nhãn hiệu ” Bạch Hạc” đã đánh bại chè Ấn Độ, Trung Quốc để giành chiến thắng vang dội trong các cuộc đấu xảo tại Hà Nội và trở thành loại chè danh tiếng nhất. Từ đó đến nay, chè Thái Nguyên, mà đại diện là chè Tân Cương, luôn được người sành chè xếp vào danh sách chè có hương vị thơm ngon nhất. 
Không chỉ Tân Cương, hầu như ở huyện nào của Thái Nguyên cũng có vùng chè chất lượng cao, sản phẩm làm ra luôn được người tiêu dùng săn đón. Theo phân tích của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp miền Núi phía Bắc, chất lượng nguyên liệu chè Thái Nguyên có ưu điểm khác biệt với chất lượng nguyên liệu của các vùng chè khác và đáp ứng được yêu cầu để sản xuất chè xanh chất lượng cao.  
Nếu như trước đây, người dân thành phố Thái Nguyên luôn kiêu hãnh vì chè Tân Cương luôn được bán với giá cao nhất thì nay chè búp đặc sản của La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) cũng không hề kém cạnh. Tân Cương vốn dĩ là đất tổ của chè Thái Nguyên, những cây chè đầu tiên được cụ Nghè Sổ, cụ Đội Năm lấy giống từ Bạch Hạc, Phú Thọ về trồng bên bờ sông Công trong lành, lại được bóng núi Tam Đảo che mát nên đã kết tinh những hương vị vừa đậm đà, vừa tinh khiết của một vùng đất lành. Gần đây, các nhà khoa học đã có cả một công trình nghiên cứu về chất đất của Tân Cương. Họ phát hiện ra rằng dù lớp đất mặt rất mỏng, các đồi chè Tân Cương vẫn có chất lượng vượt trội là nhờ trong đất có những vi khoáng rất quý hiếm. Từ đó, các nhà khoa học đã sáng chế ra một loại phân vi sinh có các hàm lượng vi chất như ở đất đồi Tân Cương để bón cho nhiều vùng chè khác trong tỉnh. Và quả đúng là càng ngày chất lượng chè Thái càng thơm ngon hơn rất nhiều.

Trong các Lễ hội trà được tổ chức những năm gần đây, Tân Cương không còn là “ địch thủ vô đối” nữa bởi người làm nghề chè trên toàn tỉnh đã trang bị cho mình  kỹ thuật chăm sóc, thu hái và chế biến chè rất tinh xảo, với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nghề chè, bằng những công cụ chế biến thủ công, truyền thống, đã tạo nên những sản phẩm chè cánh đẹp, thơm hương chè, hương cốm, uống “có hậu” với vị chát vừa phải, đượm ngọt, đặc trưng của chè Thái Nguyên.
Ngày nay, chè trung du truyền thống không phải là hương vị duy nhất của chè Thái. Rất nhiều những giống chè được ưa chuộng nhất trên thế giới cũng đã đâm chồi nảy lộc trên đồi đất Thái Nguyên, góp phần vào dàn hợp xướng hương vị này. Chè giống mới do trồng bằng cành nên được gọi đơn giản là chè cành, người tiêu dùng dường như quên bẵng những cái tên rất ấn tượng: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc, Kim Tuyên, Keo Am Tích ...
Sự mới lạ bao giờ cũng có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với thị hiếu người tiêu dùng, đó cũng là quy luật của thị trường. Điều này lý giải cho diện tích chè trung du ngày càng thu hẹp, đến năm 2015 tỷ lệ chè cành sẽ áp đảo 60: 40.
Chè giống mới, làm chè cũng không còn theo phương pháp cũ. Với những ưu điểm  thích hợp trên đất dốc, cây chè có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Chè là cây trồng sử dụng có hiệu quả đất đai, khí hậu vùng đồi núi. Trong cả thế kỷ nay, cây chè thực sự được coi là người bạn "chung thủy" của nông dân Thái Nguyên. Cây chè đã từng là “cây xoá đói giảm nghèo” và hiện đang là “cây làm giàu” của người Thái Nguyên. Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao; xây dụng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP, từ khâu sản xuất đến khâu chế biến thành phẩm cuối cùng gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận trong nước và quốc tế (Viet GAP, GlobalGAP, Uzt Certified…) 
Các hộ làm chè hầu hết đều thực hiện chương trình chuyển đổi giống mới và ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến sản xuất chè theo hướng an toàn. Hợp tác xã chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận UZT Certified cho sản phẩm chè. Nhờ đó, toàn bộ sản phẩm chè của các hộ thành viên đều được Viện chè Việt Nam bao tiêu với giá khá cao so với thị trường. Nhờ được đầu tư tốt, cả năng suất, chất lượng, giá trị chè Thái Nguyên đều được nâng cao. Năm 2005, giá trị sản xuất bình quân đạt 36,5 triệu đồng/ héc ta đối với chè búp khô, đến năm 2011đã có nhiều nơi đạt trên 100 triệu đồng.
Với nông dân Thái Nguyên, cây chè không khác gì “nồi cơm” của họ. Họ hiểu rằng cần phải làm tốt nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khi ra đời một sản phẩm và bán đến tay người tiêu dùng. Hơn ai hết, họ ý thức rõ ràng tác hại của việc dùng thuốc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình. Vì trước hết, trong suốt quá trình chăm bón, thu hái cho đến sao sấy, đóng gói sản phẩm, chính bản thân họ sẽ phải trực tiếp tiếp xúc với những loại hóa chất này. Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong trường hợp này cũng chính là bảo vệ bản thân họ. 
Ấn tượng mạnh nhất trong chuyến tham quan tìm hiểu các vùng chè xứ Thái trong tôi là hình ảnh những người nông dân vùng chè Tân Cương đặt bẫy dính để bắt sâu bọ và côn trùng phá hoại cây chè. Sản xuất chè theo phương pháp hữu cơ được coi là phương pháp thân thiện bảo vệ môi trường bền vững nhất.
Trải qua vô số những công đoạn, những búp chè mới đến được tay người tiêu dùng, lúc này nó được gọi một cách sang trọng là “trà”. Để hoàn thiện quy trình “Từ nương trà đến bàn trà”, mỗi tách trà không chỉ đơn thuần chứa đựng thành phần nước, dưỡng chất, khoáng chất với hàm lượng ta-nin, còn biết bao tâm tình của người Thái Nguyên gửi gắm trong đó.