CHÍNH CHÈ THÁI NGUYÊN

Hãng Chính Chè Thái Nguyên xin hân hạnh giới thiệu với quý vị dòng sản phẩm chè Tân Cương thượng hạng mang nhãn hiệu CHÍNH CHÈ. Đây là dòng sản phẩm thượng hạng do CHÍNH CHÈ sáng tạo và phát triển. Chè Tân Cương Thượng hạng, chỉ có ở HÃNG CHÍNH CHÈ.

MUA CHÈ THÁI NGUYÊN Ở ĐÂU NGON

Hãng Chính Chè là dòng sản phẩm chè xanh chất lượng cao, kết hợp những tinh hoa trong nghệ thuật chế biến chè thủ công truyền thống và quy trình kiểm soát chất lượng chè cực kỳ nghiêm ngặt.

BÁN CHÈ HƯƠNG NHÀI

Chè Ướp Hoa Nhài của Hãng Chính Chè được ướp theo phương pháp thủ công truyền thông không sử dụng tinh dầu, không sử dụng hóa chất tạo mùi. Hãng Chính Chè chúng tôi cam kết sản phẩm sử dụng 100% hoa nhài tự nhiên để ướp chè.

THƯỞNG TRÀ NÉT VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI VIỆT

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh những sản vật quen thuộc như mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai,… thì mỗi gia đình Việt đều không thể thiếu ấm trà thơm nồng, làm ấm lòng người và thể hiện sự trang trọng của gia chủ bên bàn tiếp khách.

HƯƠNG VỊ TẠO NÊN GIÁ TRỊ

Theo trí nhớ của những già làng Tân Cương thì ngay từ lứa sản phẩm đầu tiên và suốt những năm sau đó, chè Tân Cương nhãn hiệu ” Bạch Hạc” đã đánh bại chè Ấn Độ, Trung Quốc để giành chiến thắng vang dội trong các cuộc đấu xảo tại Hà Nội và trở thành loại chè danh tiếng nhất. Từ đó đến nay, chè Thái Nguyên, mà đại diện là chè Tân Cương, luôn được người sành chè xếp vào danh sách chè có hương vị thơm ngon nhất.

Chè Tân Cương thượng hạng, chỉ có ở HÃNG CHÍNH CHÈ

Chè Tân Cương thượng hạng, chỉ có ở HÃNG CHÍNH CHÈ

Hãng Chính Chè Thái Nguyên xin hân hạnh giới thiệu với quý vị dòng sản phẩm chè Tân Cương thượng hạng mang nhãn hiệu CHÍNH CHÈ. Đây là dòng sản phẩm thượng hạng do CHÍNH CHÈ sáng tạo và phát triển. Chè Tân Cương Thượng hạng, chỉ có ở HÃNG CHÍNH CHÈ.

Để có thể cho ra đời dòng sản phẩm ChèTân Cương thượng hạng, những người nông dân của vùng đất Thái Nguyên đã phải cần mẫn, chăm chút trên từng lá trà non. Tuy theo phương pháp thủ công, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh vì tuân theo ba yếu tố quan trọng, đây là  ba yếu tố tạo nên tính thượng hạng của sản phẩm, đó là :
Thuần Việt: Tính chất này luôn được đảm bảo do mọi sản phẩm trà Thái Nguyên của HÃNG CHÍNH CHÈ đều được tuyển từ những cây trà sinh trưởng và phát triển trên đất Việt từ trăm năm trước, do người Việt thu hái, và chế biến trên nền tảng là phương pháp truyền thống của người Việt.
Vượt Trội: Mọi sản phẩm trà Tân Cương thượng hạng được lựa chọn kỹ lưỡng từ những vùng nguyên liệu trà tốt nhất.
An Toàn: Quý vị có thể hoàn toàn yên tâm về độ sạch của các loại trà cổ thụ vì loại trà này được hái từ những cây trà lâu năm mọc trên núi cao, sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không cần chăm bón nên không bị vấy bẩn bởi bất kỳ loại chất hóa học nào. Đối với trà canh tác, để đảm bảo độ sạch, chúng tôi phải lựa chọn những vườn trà lâu năm canh tác riêng biệt với năng suất thấp, nhưng độ ngon của nó đủ làm rung động mọi khách quan.
Tất cả các sản phẩm của HÃNG CHÍNH CHÈ đều được sản xuất trong một quy trình thủ công, tỉ mỉ từng khâu từng bước, từ thu hái, làm héo, vò, sao giòn, ủ, đánh hương. để đảm bảo cho ra sản phẩm với chất lượng tuyệt đỉnh và ổn định.
Hãy liên hệ với chúng tôi để có giá bán Chè Tân Cương thượng hạng, tốt nhất.

Giò Lụa Qua Cái Nhìn Của Cố Nhà Văn Nguyễn Tuân

Cái buổi nhân loại tìm ra lửa để nướng để thui để nấu để luộc để hầm, từ cái lúc con người biết đưa con lợn vào mâm vào đĩa bát mình, Ðông Tây kim cổ khắp thiên hạ, đâu đâu và ai ai mà chả ăn thịt lợn. Có thể chỉ trừ các dân tộc theo đạo Hồi, còn thì dân nào nước nào cũng ăn lợn, tìm ra mọi cách để chế biến thịt lợn cho hợp với khẩu vị mình. Người Việt Nam ta cũng biết ăn thịt lợn như mọi người nào của các nước nào biết quay lợn cả con mà nhậu nhẹt, nhưng đến một vài cách chế biến thịt lợn, thì hình như ta ra mặt có phần sáng tạo đấy. Thịt lợn đem gói giò chẳng hạn. Không sợ là huênh hoang thiếu khiêm tốn, ta có thể nói rằng biết chế lợn ra thành cân giò lụa, đó là đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc. Theo chỗ tôi biết, thì trong số những dân tộc toàn cầu ăn thịt lợn và chế biến món lợn hình như giò lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra thôi (tôi thành thật rất mong một bạn bác học nào dẫn chứng và chỉ cho tôi thấy thêm là ngoài cõi Việt Nam, giò lụa còn thấy ở vùng nào xứ nào nữa kia). 

Tại sao lại chỉ có cái anh Việt Nam nghĩ ra món giò. Ta có dịp chiêu đãi bạn bè họ nội ngoại quốc tế ai cũng thấy là có mê cái món giò lụa Việt Nam tinh tế nhường ấy thì cũng không có gì là lạ cả. Nhưng rồi cũng cứ phải hỏi xem tại sao Việt Nam ta lại làm ra được cái “trò” giò lụa hấp dẫn đó chứ, nó vẫn lại như câu chuyện quả trứng Cơ-ri-tốp Cô-lôm, nghĩa là ít nhất ban đầu, cũng phải có một anh nào nghĩ ra cái cách đó chứ!
Cụ Líu, cụ nghệ nhân giã giò sáu mươi năm tuổi nghề ấy có lần đã bảo tôi rằng “ông ạ, ta sinh ra món giò lụa là vì nước ta sẵn có cây chuối, lá chuối, chứ không phải là vì ta nuôi được lợn”.
- Khối nước cũng hàng rừng chuối đấy mà sao vẫn không làm giò lụa, - tôi cãi lại. - Ðấy cụ xem, Xiêm, Miên, Lào, Trung Quốc chả khối chuối ra mà có ai nói đến giò Lào, giò Xiêm, giò lụa Trung Hoa đâu?
- Có chuối nhưng lại còn phải biết dùng nó, biết phối hợp nó với thịt nữa chứ. Này tôi đố ông làm được giò lụa nếu không có tấm lá chuối nào. Là nói lá chuối tươi đấy, chứ ai bàn gì đến lá chuối khô. Cái bánh giò sở dĩ có hương vị bánh giò vì nó được chân quyện trong mùi thơm lá chuối luộc cho bằng chín tới đấy. Giò lụa thơm đậm vì mùi thịt tươi luộc cộng với mùi thơm chát ngậy của lá chuối tươi luộc chín.

Tôi đố ông gói giò sống bằng lá ổi, lá sung, lá sen, lá dong mà lại thành ra đúng mùi vị thanh ngậy của giò lụa cổ truyền đấy? Này ông có nhớ tới một cuộc trình diễn sáng kiến, người ta bày một cái ống sắt to bằng một dẫn ống máng, và giới thiệu rằng tống giò sống vào đấy, bịt một đầu lại rồi dúng nước sôi thì thành giò. Lời giới thiệu nhấn vào chỗ luộc bằng cái ống lệnh đó thì đỡ phí bao nhiêu lá chuối và công buộc thít dây lạt. Ôi giời ơi, thì ra là giò gỉ sắt à? Làm ăn như thế thì tôi cũng đến chết với mấy ông ấy thôi, ông ạ.
Cụ Líu chuyên viên tột cấp về giò lụa lại tiếp tục đố tôi rằng ở cân giò lụa “cắt ngang ra từng khoanh - không ai đi bổ dọc cái giò phải không ông - ờ - Khoanh giò cắt ngang chấm miếng nào là nhiều dư vị nhất. Ừ ông tinh đấy, biết chọn cái đầu dày của giò là giỏi đấy! Nhưng đừng ăn miếng đầu dày cuối giò nó hơi mủn vì nước luộc hay đọng xuống. Ðầu dày phía trên thì khô giòn, cứ trông cái đầu nào có lồng cái lạt treo là trên chứ gì? Ông còn nhớ các cụ ta xưa nhắm rượu với cái tăm xiên khẩu giò lụa hay ngâm nga “thanh lan chị không bằng bánh dày em” thì thanh lan tức là cái đầu dày giò lụa đấy. Thanh lan đầu dày sở dĩ ngon thơm hơn là vì nó tụ hết hương vị lá chuối vào, vòng ngoài giò lá chuối già, áo lót trong cùng là lá chuối non vàng nhợt màu lụa”.
Cụ Líu cứ vê củ lạc, cứ ề à “Tửu lạc vong bần ông ạ” và cứ giảng về nghệ thuật giò lụa. Ðụng đến kỹ thuật giã giò, giọng và mắt cụ Líu sa lệch hẳn đi.
- Có phải thịt lợn nào cũng giã được giò lụa đâu. Thịt mà ướp tủ lạnh thì giời mới giã nổi. Nó phải tươi, để tay vào còn âm ấm, lúc thái ra miếng thịt còn phải như nhảy trên mặt thớt, không cẩn thận thì thái vào ngón tay mình đấy. Nhưng cái khâu giã chày mới là lúc lao động ra trò. Giã như các chú gần đây thì còn gì là chả là giò nữa. Ðâu lại có cái kiểu nện chày chủng chẳng tiếng đực tiếng cái tiếng mẹ tiếng con như thế. Cái kiểu giã cho hết giờ ấy thật phí cả yến thịt tươi ấm. Ngày xưa tôi giã giò làm gì có quạt máy, cứ mồ hôi trên mồ hôi dưới, hai tay nện vô hồi kỳ trận muỗi nhặng đốt mép đốt mặt cũng kệ, cứ giã đều. Mệt quá thì đưa mắt cho đứa cháu nó rót chén rượu vào mồm. Giã mạnh quá cũng không cần, nhưng cốt là giã đều và bền sức. Nghe nó đều đều như dây cung bật bông nệm. Ðều đều như tiếng búa con đập dát lá quì vàng. Này nghe tiếng giã giò, có thể đoán được mẻ giò lụa là được hoặc là bỏ.
- Bây giờ có thứ cối xay thịt chạy điện, tội gì mất công giã hai chày hai tay thô sơ.
- Ông định làm ba-tê xúc-xích thì hãy nghiền cối xay, chứ giò lụa thì không thể chạy điện như thế. Ông đùa nhả tôi mà bảo cối xay điện tiện hơn chày giã giò, có khác gì bảo nạp thịt vào hộp nhựa khử trùng, để làm giò ni lông cho nó nhanh! Cụ tổ nghề chúng tôi truyền nghề cho không rõ từ thời vua nào, nhưng đền thờ tổ là phải có đôi chày gỗ mít sơn son thiếp vàng dày hai ba thước ta... Giã giò mà nhịp chày kép không đặm đều, tôi nói thật cho ông biết nó sẽ không khác gì cái thằng đổ bê-tông móng cầu chậm chạp lóng ngóng làm ôi xi-măng đấy.

Xin chịu cụ Líu.
Tiếc cái là cụ Líu phải về chầu các cụ tổ trong nghề. Năm cụ Líu tịch, cũng là năm in ra cuốn từ điển tiếng Việt; về từ Giò có câu nghĩa như thế này “món ăn làm bằng thịt, thường giã nhỏ, bó chặt rồi luộc”. Thịt gì? Thịt những con gì? và con nào là căn bản? Bó? bó bằng gì? thứ gì? Và giò lụa thì bà con Nam bộ thường gọi là chả lụa tưởng cứ nên chua vào từ điển, với cái ý là nên và phải sớm thống nhất tên gọi sự vật, trong khi chờ đợi thống nhất Bắc Nam. Một dịp nào đó, nếu có thể, sẽ xin trở lại vấn đề “chả hay giò cùng là chả và giò”.
Giò, bánh dày giò vẫn còn nhưng ngày nay đã mất đi cái bóng người đội thúng bán rong giò chả của Hà Nội nhiều thứ quà dân tộc ngon và không đắt lắm. Quà rong bờ hè lề phố thủ đô hàng nào cũng có một cách rao bằng lời ngắn lời dài có khi như ngâm hát nữa kia. Có khi chỉ bằng tín hiệu gõ phách, gõ mõ... Duy chỉ có những bác giò chả quê vùng Ước Lễ là không ai rao hàng - Họ lặng lẽ mà đi hàng ai biết cái thúng ngon đặt trên đầu ấy thì gọi, có cái vẻ như làthứ này ngon thật sự, ai tinh ý thì tìm gọi, chứ họ thì không phải lắm nhời chèo kéo.
Có lẽ cụ Líu đã nhiều lần qua lại phố hàng Bạc. Phố này nhiều chủ vàng bạc nhiều thợ kim hoàn gò hột hoa tai vàng và chúa là ăn quà vặt. Có thể Hàng Bạc có điện bà Bé Tý là đất thánh của hàng quà ngon.
Tuổi thơ ấu của tôi ở cái phố đông và lắm thứ quà rong này, tôi quên sao được những bác Ước Lễ giò chả bánh dày giò. Họ cứ xéo lấm gấu quần chấm gót đi khắp phố phường, ngõ thông ngõ cụt và nhà ai có kỵ có giỗ là đều nhờ hết để tìm tới nhận đặt giò chả cần cho cỗ giỗ. Giò gương to bảy phân, mười hai phân, lại có thứ nhỏ mỏng như cái lưỡi mèo, cả cái nguyên vẹn mà chỉ một xu, hai xu một cái. Những hôm tôi ngoan, không sang nghịch bên đình ông Tướng giữa Hàng Bạc, thì bà ngoại tôi mua cho cái giò lụa hai xu vùi xuống đáy bát cơm mà ăn dè. Lúc ấy còn tiêu bằng tiền kẽm. Lúc ấy nào tôi có biết thế nào là bài thơ tốt câu văn hay. Nhưng mặc dầu còn rất bé, tôi đã bắt đầu biết giò là tốt là ngon, dù miếng ngon hai xu đó chỉ bằng cái lưỡi mèo. Và lớn lên bây giờ đã hai thứ tóc càng thấy rằng giò lụa quê hương là một miếng thịt chín thơm lành sạch sẽ dành cho người tài giỏi đủ điều, và rất xứng đáng thưởng thức của ngon vật lạ do chính mình nghĩ lấy và làm ra.
(Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, số 31, 7-1973)

Cần Hiểu Thêm Về Tục Thờ Tranh Chữ

Những năm gần đây, do “phú quý sinh lễ nghĩa”, rất nhiều người tặng nhau các bức tranh chữ, hoặc đi mua về treo ở gia đình, công sở như một “mốt”. Đó thường là các bức tranh 1 chữ thể hiện một đức tính cần có của con người như Tâm, Đức, Nhẫn, Hiếu… hoặc một ước mơ bình dị về cuộc sống như Phúc, Phú, Quý… Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nghĩa của những chữ mà mình đang treo. Xin có đôi lời mạn đàm về tranh chữ như một thú chơi tao nhã, một cách giáo dục đạo đức của người xưa.

Khi đến thăm những ngôi nhà cổ, hoặc ở những công sở uy nghi, ta thường thấy những bức tranh chỉ có một chữ (nhất tự) treo trang trọng ở chính giữa bàn thờ gia tiên hoặc công sở. Đó là tục thờ tranh chữ, một phong tục đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam.
Tranh chữ khác với hoành phi, câu đối cả về nội dung lẫn cách trang trí.
Hoành phi thường gồm 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ “Đại tự” được treo ngang phía trước bàn thờ, gắn liền vào bộ xà ngang của gian giữa ngôi nhà, chiều dài bằng đúng chiều ngang của gian nhà cổ. Nội dung hoành phi có thể là lời phong tặng của những bậc vua chúa đối với những gia đình có công với nước, hoặc truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chẳng hạn như “Đức thụ thâm căn” hàm ý ca ngợi truyền thống gia đình có đạo đức. Truyền thống đạo đức của gia đình đã như một cây (đức thụ) sâu rễ bền gốc (thâm căn) cần phải gìn giữ và phát huy để được lưu truyền mãi mãi. Hoặc “Dục báo thâm ân” nhằm giáo dục con cháu cần báo đáp ân sâu công dưỡng dục của cha mẹ đối với mình…
Câu đối gồm 2 vế chữ Nôm hoặc chữ Hán đối nhau cả về ý và lời. Câu đối có thể gồm 5 chữ, 7 chữ, 9 chữ hoặc hơn nữa, được treo dọc theo từng cặp ở 2 bên đối xứng nhau. Nếu ở những ngôi nhà cổ có đủ các hàng cột thì câu đối được treo áp cột. Nội dung thường nêu cao truyền thống của gia đình hàm ý giáo dục cho con cháu noi theo. Chẳng hạn như một cặp câu đối thường thấy ở rất nhiều gia đình gồm 2 vế:
Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tử  hiếu  tôn hiền vạn đại vinh.
(Tiên tổ đã dày công tu nhân tích đức để ngàn năm thịnh vượng. Con cháu giữ đạo hiếu, tu dưỡng thảo hiền thì vạn đời vinh hiển).
Nhìn chung, ý nghĩa của hoành phi, câu đối được diễn tả khá rõ ràng.
Khác với hoành phi, câu đối, tranh chữ chỉ có 1 chữ nên nội dung cô đọng, súc tích hơn.
Ở các gia đình thường thờ chữ Phúc (福). Nếu chiết tự chữ Phúc có thể thấy là toàn bộ ước mơ về một cuộc sống đủ đầy: Bên trái là bộ thị - ở đây có nghĩa là kêu cầu, mong muốn thể hiện ước mơ của con người).  Bên phải gồm 3 bộ chữ: Bộ miên (宀) chỉ một mái nhà - (phải có nhà để ở, an cư rồi mới lạc nghiệp). Dưới là bộ khẩu nghĩa là miệng - (trong nhà phải có người, cả gia đình sum họp vui vẻ, tiếng nói cười rộn rã, không khí gia đình phải vui tươi đầm ấm). Dưới cùng là bộ điền (田) - (có nhà rồi phải có ruộng để cày cấy sinh sống. Có ruộng, có đất đai là có tất cả. Như vậy chữ Phúc (福) là một ước mơ bình dị về một cuộc sống yên bình, mong sao cho gia đình có người, có nhà, nề nếp hiếu thuận, ấm êm; có ruộng để làm ăn sinh sống. Đó là ước mơ ngàn đời của những con người lao động, không mơ sự giàu sang, phú quý, mà chỉ ước mơ một cuộc sống giản dị tốt đẹp, bền lâu mãi mãi. Cuộc sống như thế chính là phúc - chỉ một chữ mà gợi lên cảnh sống yên bình, lương thiện, hiền hòa.
Một số nơi lại thờ chữ Nhẫn (忍). Đã có cả một bài thơ chữ Hán nói về ý nghĩa chữ Nhẫn trong cuộc sống. Tạm dịch như sau:
“Trong một trăm nết tốt
Chữ nhẫn đứng hàng đầu…
Người mà chưa biết nhẫn
Chưa phải là người hay”
Xét theo lối chiết tự, chữ Nhẫn gồm 2 bộ: Trên là bộ nhận (刃) - ở đây có nghĩa là mũi nhọn. Dưới là bộ tâm (心) - trái tim. Ngay từ hình thức viết, chữ Nhẫn đã khiến cho người ta liên tưởng đến sự chịu đựng phi thường: Để mũi nhọn đâm vào trái tim vẫn cắn răng mà chịu, không than vãn. Những nơi thờ chữ Nhẫn muốn giáo dục con người phải biết dũng cảm chịu đựng những khó khăn vất vả trong cuộc sống, kiên trì nhẫn nại để vươn tới thành công.
Cũng có những gia đình hoặc ở công sở lại treo chữ Đức (德) hoặc chữ Tâm (心). Tâm là trái tim, là tấm lòng. Chữ Tâm như một con thuyền chở nặng hoài niệm, suy tư của cuộc đời. Người thờ chữ Tâm với mong muốn trong khi giải quyết các công việc, luôn luôn có một tấm lòng, xét việc “thấu tình đạt lý”. Nhà thơ Nguyễn Du đã viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Khi có tấm lòng nghĩ đến người khác, người có quyền sẽ thấu hiểu nỗi khổ của kẻ dưới, không gây oan trái cho người dân lương thiện. Một quan chức có tâm sẽ coi trọng công lý, coi trọng tình người, gương mẫu trong lời nói và việc làm, giải quyết mọi việc êm thuận, được mọi người tin yêu.
Chữ Đức (德) xét theo lối chiết tự bao gồm ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là chữ mà những học trò đã từng theo “cửa Khổng sân Trình” phải thuộc lòng cách viết từ khi tóc còn để chỏm trái đào:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm
Ở bên trái là bộ hành (彳) tức là làm. Bên phải ở trên là bộ thập (+) cần phải tu dưỡng đủ 10 nết tốt, phải có cái nhìn rộng rãi “chín phương trời, mười phương đất”. Tiếp theo là bộ tứ - cần bao dung, rộng rãi, không chấp nhất đối với kẻ thuộc quyền - “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển đều là anh em một nhà); chữ nhất (-) biểu thị lòng ngay thẳng, trung thực, không vụ lợi, không thay đổi thái độ, hành động trước mọi sự cám dỗ. Dưới cùng là bộ Tâm (心) - một trái tim, một tấm lòng vị tha, yêu thương con người. Có thể hiểu là chữ Đức diễn tả bản chất của một vị quan tốt. Khi làm việc công, đối với kẻ dưới quyền luôn bao dung rộng rãi, giải quyết công việc ngay thẳng nhưng có tình có lý, coi kẻ dưới như những người thân của mình, biết xót xa, đồng cảm cho những khổ đau mà họ phải gánh chịu. Chắc chắn vị quan đó sẽ hoàn thành tốt chức trách, được mọi người nể phục.
Mỗi chữ Hán được viết theo hình thức khác nhau. Do được viết theo lối tượng hình, nên khi chiết tự có nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Vì vậy, tuy chỉ là một chữ nhưng chứa đựng những bài học lớn lao, sâu sắc trong đạo lý làm người.
Xét về mặt hình thức, tranh một chữ thường được viết trên tấm gỗ hình vuông. Tùy theo không gian của ngôi nhà, ban thờ mà đặt khổ tranh to, nhỏ cho hài hòa cân đối. Hình ảnh 1 bức Đại tự ở chính giữa ban thờ gia tiên hoặc công sở, nét chữ được đắp nổi sơn son thếp vàng lấp lánh cũng thể hiện một nghệ thuật trang trí đẹp, nói lên được ước mơ, phẩm chất của chủ nhân, gây được sự thiện cảm đối với người chiêm ngưỡng.
Thờ tranh chữ là phong tục đẹp, vốn có từ lâu đời, nhưng đã có một thời do cơm áo gạo tiền nên bị mai một lãng quên. Những năm gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, rất nhiều người tặng nhau các bức tranh chữ, hoặc đi mua về treo ở gia đình, công sở như một “mốt”, nhưng trong số đó không phải ai cũng hiểu được sâu xa tường tận bức tranh chữ mà mình đang treo.
Xin có đôi lời mạn đàm để cùng hiểu rõ hơn về phong tục thờ tranh chữ như một nét văn hóa, một cách giáo dục đạo đức truyền thống. Thú chơi nghệ thuật tao nhã này nên được duy trì rộng rãi trong xã hội.

Trà Sen – Pháp Tu Khổ Hạnh

Tôi ví việc làm Trà Sen phải như con đường của những bậc chân tu, phải có giáo lý cao minh, tinh khiết như đức Phật đã để lại chốn nhân gian, lại thêm những con người có cốt cách, có Phật duyên mới mong đạt được thành tựu.

Cái đức của trà vốn đã sáng rõ quá rồi, thiết nghĩ không cần bàn thêm nữa, như một người sinh ra đã có Phật duyên vậy. Sen sinh ra từ bùn đất mà không mất đi sự thanh cao, tinh khiết, sắc Hồng thấm đẫm cõi nhân gian, hương thơm thấu suốt tam giới. Phật pháp dung được mọi thứ trên cõi nhân gian này nhưng để chứng ngộ được thì cần lắm một cao nhân. Thế nên để Trà và Sen quện được vào nhau thì Trà phải đủ duyên, và Sen phải đủ đức. Nói như vậy nghĩa là với tôi việc lựa chọn Trà và Sen không thể qua loa được, nghĩa là không phải cứ có Trà cứ có Sen, đem góp vào với nhau thì ra được Trà Sen vậy.
Các bậc tiền nhân cao khiết đã để lại cho chúng ta một thứ trà tuyệt hảo, nhưng với khung cảnh Xã hội mỗi thời một khác, nên thiết nghĩ cũng cần có sự thay đổi, hơn nữa thời gian đã qua cho chúng ta thấy được nhiều hạn chế khách quan của Xã hội thời trước, khiến phương pháp của cha ông không thể thoát khỏi một vài nhược điểm, dù rằng các cụ đã dồn hết tâm sức mà làm, cũng như những gì chúng ta làm hôm nay, rồi ngày mai, các thế hệ con cháu sẽ chỉ ra muôn vàn nhược điểm, nhưng như thế thì mới phát triển được, được thế tôi lấy làm vui lắm lắm!

Từ xưa, cha ông truyền lại cho chúng ta hai phương pháp chế Trà Sen: một là “ướp xổi”, nghĩa là mang trà ra đầm vào lúc chập tối, cẩn trọng cho vào những bông Sen đã được lựa chọn, để qua đêm, sáng hôm sau hái vào, lấy trà ra mà thưởng thức; hai là “ướp trà khô”, phương pháp này cầu kỳ hơn rất nhiều, ta phải hái Sen vào rồi tỉ mẩn lọc hết gạo Sen ra, dùng gạo ấy mà ướp trà, làm cầu kỳ thì lên đến 5-7 lần ướp đi ướp lại để có được một cân trà Sen đượm hương có khi tốn đến hàng nghìn bông Sen và mất cả chục ngày trời là bởi vậy. Cầu kỳ là thế nhưng vẫn không khỏi có những nhược điểm, ta thấy nước trà Sen ướp khô thường bị đỏ, kém vị, hương thơm thường nồng, bởi trà phải kinh qua ba thứ đáng sợ nhất đối với nó là nhiệt độ cao, ẩm độ cao và cường độ sáng mạnh, thế nên nó đã bị biến chất, cũng như con người, kinh qua khổ nạn không khỏi bị tha hóa nhân cách phần nào. Đó là đối với ướp khô, thế còn “ướp xổi”, đây là một pháp chế tuyệt vời để Sen được tươi mới, trà giữ được cốt cách của mình, nhưng khổ nỗi ướp xong phải dùng ngay mà đâu phải nơi nơi đều có Sen bách diệp để làm, thế nên cái thứ trà vi diệu ấy không đến được với đông đảo trà nhân, tôi cho là đáng tiếc lắm. Nhờ vào sự phát triển của Công nghệ, chúng ta có thiết bị lạnh, giúp đông cứng mọi thứ ở âm độ, trong môi trường âm độ đó gần như không bị biến chất, thế nên nhiều người đã ứng dụng mà ra được trà “ướp xổi” đông lạnh. Hãy hình dung khi trà đó mang ra khỏi thiết bị, tiếp xúc với môi trường bên ngoài và bắt đầu “rã đông”, hơi nước ngoài môi trường ngưng tụ trên bông Sen làm cho ướt nhép, nước bên trong cánh Sen bị đông đặc thành đá khi ở trong thiết bị lạnh, nhưng khi “rã đông” thành nước và tế bào cánh Sen đã bị phá vỡ không còn giữ được nước nữa, nước này phát tiết ra ngoài và phủ lên cánh trà mang theo mùi ủng của tế bào chết thấm vào trà, vậy đã làm cho cả trà và Sen mất đi sự thanh khiết. Hơn nữa, chúng ta hình dung, trên bàn trà, khi dỡ một bông Sen ra thì ngổn ngang nào lạt, nào túi, nào lá … và hơn hết là sự tả tơi, nhợt nhạt của từng cánh hoa Sen gợi nên hình ảnh chết chóc. Trong khi lẽ ra bàn trà phải là nơi gọn gàng, sạch sẽ, là nơi để thưởng giám nghệ thuật, là nơi mà mọi thứ có mặt phải gợi ra một hình ảnh cao khiết, thanh nhã chứ không phải là sự chết chóc như bông Sen kia, thật khiếm nhã lắm!.

Phương pháp các cụ đã để lại là “ướp xổi”, theo tôi hậu bối chúng ta phải có trách nhiệm xóa đi chữ “xổi”, như thế thì mới thể hiện được sự tôn kính với cha ông, sau khi lấy trà ra khỏi bông Sen thì bông Sen đó vẫn phải có vẻ đẹp cao khiết, như bậc chân tu để lại thân xác vậy. Trà phải là trà phải giữ được cái đức vốn có và phải được thăng hoa nhờ vào đặc tính cao khiết của Sen như những viên xá lợi mà các vị chân tu để lại. Tôi tư duy như vậy để giúp tôi bước đầu làm được như sau …

Thói Quen Uống Trà Của Người Trung Quốc

Người Trung Quốc uống trà đã có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trong sinh họat hằng ngày ngày của người TQ không thể thiếu một loại nước giải khát đó là trà, tục ngữ có câu: “củi đóm, gạo dầu, muối, tương, dấm và trà” Trà được liệt vào một trong 7 thứ quan trọng trong cuộc sống, có thể thấy được uống trà là điều rất quan trọng. Dùng trà để tiếp khách là thói quen của người TQ. Khi có khách đến nhà, chủ nhà liền bưng một chén trà thơm ngào ngạt cho khách, vừa uống vừa chuyện trò, bầu không khí rất thoải mái.

TQ thính hành uống trà đã có lịch sử lâu đời. Được biết, trước năm 280, ở miền Nam TQ có một nước nhỏ gọi là nước Ngô, mỗi khi nhà vua thết tiệc các đại thần, thường ép các đại thần uống rượu cho say mềm. Trong số các đại thần có một đại thần tên là Vĩ Siêu không uống được nhiều rượu, nhà vua cho phép ông ta uống trà thay rượu. Từ đó về sau, các quan văn bắt đầudùng trà để tiếp khách. Đến đời nhà Đường, uống trà đã trở thành thói quen của mọi người. Nghe nói, thói quen này còn có liên quan đến Phật giáo. Vào khoảng năm 713 đến năm 741, lúc đó các sư sãi và các tín đồ trong nhà chùa do ngồi tụng kinh trong thời gian dài, thường hay ngủ ngật và ăn vặt, nhà sư liền nghĩ ra cách cho họ uống trà cho tỉnh táo, từ đó, biện pháp này được lưu truyền đi khắp nơi. Trong khi đó, những gia đình giàu có của nhà Đường, còn mở phòng chuyên pha trà, thưởng thức trà và đọc sách, gọi là phòng trà. Năm 780, ông Lục Vũ chuyên gia về trà của nhà Đường đã tổng kết kinh nghiệp trồng trà, làm trà và uống trà, viết cuốn sách về trà đầu tiên của TQ với tựa đề: “Kinh nghiệm về trà”. Trong đời nhà Tống, nhà vua Tống Huy Tôn dùng tiệc trà để thết các đại thần, tự tay pha trà; Trong Hoàng cung đời nhà Thanh, không những uống trà, mà còn dùng trà tiếp khách nước ngoài. Ngày nay, hàng năm vào những ngày tết quan trọng như : tết dương lịch hoặc tết xuân v,v,có một số cơ quan, đoàn thể thường tổ chức liên hoan tiệc trà.

Ở TQ, trà đã hình thành một nền văn hóa độc đáo. Mọi người coi việc pha trà, thưởng thức trà là một nghệ thuật. Từ xưa đến nay, ở các nơi TQ đều có mở quán trà, hiệu trà v,v với những hình thức khác nhau, trên phố Tiền Môn tấp nập ở Bắc Kinh cũng có quán trà. Mọi người ở đây uống trà, ăn điểm tâm, thưởng thức những tiết mục văn nghệ, vừa được nghỉ ngơi lại vừa giải trí, đúng là một công đôi việc. Ở miền Nam TQ, không những có lầu trà, quán trà, mà còn có một loại lều trà, thường là ở những nơi phong cảnh tươi đẹp, du khách vừa uống trà, vừa ngắm cảnh.
Uống trà cũng có những thói quen, chẳng hạn như trà, mỗi nơi lại có thói quen riêng, thích uống những loại trà cũng không giống nhau. Người Bắc Kinh thích uống trà hoa nhài, người Thượng Hải lại thích uống trà xanh. Người Phúc Kiến ở miền Đông Nam TQ lại thích uống trà đen v,v. Có một số địa phương, khi uống trà lại thích bỏ thêm gia giảm, chẳng hạn như một số địa phương ở tỉnh Hồ Nam ở miền Nam thường lấy trà gừng muối để tiếp khách, không những có trà, mà còn cho gừng, muối, bột đỗ tương và vừng, khi uống vừa quấy vừa uống, cuối cùng đổ bột đỗ tương, gừng, vừng và trà vào mồn ăn, nhấm nháp hương vị thơm ngon, vì vậy có nhiều địa phương còn gọi “uống trà” là “ăn trà”.
Cách pha trà mỗi điạ phương lại có thói quen khác nhau, vùng miền Đông TQ, thích dùng tích pha trà, khách đến nhà, liền bỏ trà vào tích, đổ nước sôi, đội cho ngấm rồi rót ra chén, mời khách uống. Có nơi, như trà công phu ở Trương Châu tỉnh Phúc Kiến ở miền Đông, không những tách, chén rất khác biết, mà cách pha trà cũng rất đặc biệt, hình thành nghệ thuật pha trà rất độc đáo.

Ở các nơi TQ nghi lễ uống trà cũng không giống nhau, ở Bắc Kinh, khi chủ nhà bưng trà mời khách, người khách phải lập tức đứng dậy, hai tay đỡ lấy chén trà, rồi cảm ơn. Ở Quảng, Đông, Quảng Tây miền Nam TQ, sau khi chủ nhà bưng tra lên, phải khum bàn tay phải lại gõ nhẹ lên lên bàn 3 lần, tỏ ý cảm ơn, ở một số khu vực khác, nếu như khách muốn uống thêm, thì trong chén để lại ít nước trà, chù nhà thấy vậy sẽ rót thêm, nếu như uống cạn, chủ nhà sẽ cho rằng bạn không muốn uống nữa, thì sẽ không rót thêm nữa.

Thiền Với Trà Đạo

Không biết tự bao giờ, trà trở thành thân quen trong nếp sống Thiền gia Phật Giáo Bắc Truyền, rồi trà thành một phần văn hóa của Phật Giáo, pháp tu của Đạo Thiền, một phương pháp thưởng thức, yêu mến thiên nhiên, chỉ có bạn trà trong Thiền lâm mới có thể hiểu được, một nét văn hóa ẩm thực, thể hiện sự thanh cao, hòa nhã, thanh tịnh đủ tính nết thiền, của những con người “Thế ngoại đào viên”.

Nói đến trà là nói đến Đông Độ, bàn về Đạo của trà hay cách thức thưởng thức trà thì phải nói đến Phật Gia, người Đông Độ biết đến trà rất sớm, trong sách của Tư Mã Tương Như đời Tây Hán (năm 200 trước công nguyên) thiên Phàm Tương đã có đến trà và gọi trà là: “Suyễn sá”, trong sách Thần Nông Bổn Thảo Kinh gọi trà là: “Trà thảo”, trong sách Quảng Châu Ký của Bùi Uyên thời Đông Tấn thì gọi trà là: “Hạo lư”, trong sách Trà Kinh của Lục Vũ đời Nhà Đường chép về trà như: “Tên của trà có rất nhiều cách gọi, thứ nhất gọi là trà, thứ nhì gọi là Giả, thứ ba gọi là Thiết, thứ tư gọi là Danh, thứ năm gọi là Suyễn”.v.v… trong trà Kinh liệt kê tên gọi của Trà có 10 loại.
Phật Giáo Đông Truyền vào cuối thế kỷ thứ nhất đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên, nhưng theo hiện nay có nhiều thuyết cho rằng Phật Giáo đến với Việt Nam còn sớm hơn thời kỳ này. Trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc, hầu như tất cả các thể loại văn hóa phương Đông đều được truyền đến Việt Nam và cũng như vậy trà đạo cũng được các vị Thiền sư đem đến, vì Việt Nam cũng là một trong những quê hương cổ xưa nhất của cây trà và cũng như vậy, người Việt Nam cũng biết thưởng thức trà từ rất sớm.
Thời kỳ đầu trà chỉ là cống phẩm cho triều đình dùng vào việc tế lễ cũng như các tầng lớp quý tộc mới có khả năng để thưởng thức trà. Phật Giáo được truyền vào Đông Độ, trong khoảng 300 năm từ thời Tam Quốc đến thời Nam Bắc Triều và đặc biệc vào thời kỳ Nam Bắc Triều Phật Giáo rất thịnh hành, Phật Gia dùng trà để giải trừ cảm giác hôn trầm trong lúc ngồi thiền, cho nên thường thì trong vườn chùa đều có trồng trà, và việc uống trà được lan truyền rộng rãi trong thiền lâm của Phật Giáo, vì thế Phật Giáo là nguyên nhân chính tạo nên phong khí thưởng thức và phát triển trà trong xã hội, đồng thời cũng là những người đầu tiên nghiên cứu và phát hiện những đặc tính và công hiệu của trà, cho nên lai lịch của câu “Trà Phật nhất vị” trong lịch sử của trà đạo là vậy. Đến đời Đường thì việc uống trà đã phổ biến khắp nhân gian.

Đại Thừa Phật Giáo đến với Đông Phương, thấm nhuần hương vị văn hóa của người Đông độ, dần dần văn hóa truyền thống của người bản độ, hòa nhập vào tư tưởng của Đại Thừa phát triển và hình thành hệ thống tư tưởng triết lý nếp sống của Bắc Truyền Phật Giáo và trà cũng như vậy, từ thức uống của nhân gian bước vào cửa thiền vì tính năng đặc biệt của mình, tư tưởng triết lý của Đạo Thiền hợp thức hóa trà là Phật.
Phật Pháp Đại Thừa với tinh thần “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” cho rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có chung một khả năng, đều có thể thành Phật, vì hóa độ chúng sanh mà Phật hiện Thiên bá ức hóa thân, cho nên nhất thiết vạn sự vạn vật đều có thể coi là hóa thân của Đức Phật. Vì vậy trà được Bắc Tuyền Phật Giáo cho rằng là một trong thiên bách ức hóa thân của Phật, vì trong trà có đầy đủ tính năng của Phật như: giải độc hại cho chúng sanh, làm cho chúng sanh thoát khổ vì khát, có thể điều dưỡng tâm tánh, làm tâm được thanh tịnh và điều quan trọng nhất khi ngồi thiền định có thể chế tâm thoát khỏi hôn trầm, khiến cho mau đạt đến đại định, vược khổ sanh tử, chứng đắc Niết Bàn, cho nên trà có một vị trí hết sức quan trọng trong Phật Giáo Bắc Truyền “Phật và Trà chỉ có một vị”.
Một chiếc lá vàng rơi cũng có thể làm lay động cả tam thiên đại thiên thế giới, làn gió nhẹ đưa của chiếc lá vàng rơi cũng đủ để lay động ý thức của con người, cảm nhận sự biến đổi của thiên nhiên, thu đã về, chỉ là một chiếc lá rơi thôi mà Đại Thừa Phật Giáo có thể cảm nhận được chân lý thâm diệu vô cùng của thiên nhiên đạo trời như thế, nên khi con người thưởng thức trà thì sự tiếp xúc cảm thông với thiên nhiên còn thâm áo đến chừng nào, chính từ xúc cảm với thiên nhiên làm cho sự nhận thức sâu xa về vũ trụ càng thêm thấm thấu và mục đích cuối cùng Đạo của trà là dẫn dắt chúng sanh thể nhập “Phật Tri Kiến” giác ngộ thành Phật.
Trà lại là hóa thân của Bồ Tát vì trong trà có đầy đủ tính chất của Lục Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Trà thực hành pháp bố thí ba la mật, hợp cùng với nước, xã thân hòa mình thành thức uống, cúng dường chúng sanh. Hương thơm của trà thanh tịnh, đem đến cảm giác thư thái an lạc dễ chịu cho chúng sanh, sự cảm nhận này cũng không khác gì khi ta tiếp xúc với người trì giới, cảm nhận được Giới Định chân hương, đây là công đức Trì Giới Ba La Mật của trà có được.
Trà tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, kham nhẫn khi bị cắt hái, nhào trộn, hong khô, rồi chịu đựng cái nóng vô cùng của nước sôi khi pha chế, nhưng trà vẫn đượm hương tỏa ngát, ngọt lịm cúng dường chúng sanh. Trợ cho người ngồi thiền không bị hôn trầm, giúp cho họ luôn tỉnh giác khi thiền tư đây là lúc trà đang tu Tinh Tấn Ba la mật. Trà chỉ có một vị, hòa kính và thanh tịnh đây là tính chất Thiền Định Ba la Mật của trà. Người dùng trà làm pháp phương tiện, dẫn dắt đến cảnh giới tịch tịnh, từ thế giới tịch tịnh viễn ly trần cảnh “Bất cấu Bất tịnh” hòa nhập vào Vô Dư Niết Bàn chứng Vô Thượng Đạo đây là kết tinh Trí Tuệ Ba la Mật của trà.
Bắc Truyền Phật Giáo coi việc uống trà như một pháp môn tu, một công án thiền định có khởi nguyên từ đời nhà Đường và nói đúng hơn Thiền Tông đưa trà đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, từ một thức uống bình thường trong hàng ngày, trải qua sự tôi luyện bằng thiền tư của các vị Thiền sư, trà bỗng nhiên thoát tục trong cuộc sống, trà trong lễ nghi đối đãi của người trần, trở thành phép tắc tu hành của người thoát tục, trà với nghĩa giải khát, bằng công năng tu hành sự tỉnh giác của trí tuệ, các Thiền sư đã dụng trà như một công án để tu và để chứng minh cho điều này, trong thiền lâm Phật Giáo Bắc Truyền có công án “Đi uống trà đi”.
“Đi uống trà đi” công án thiền nổi tiếng của Ngài Triệu Châu, trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ 10 chép: Ngài Triệu Châu hỏi một học Tăng mới đến: “đã từng đến chỗ này chưa?” vị Tăng đáp: “đã từng đến”. Ngài Triệu Châu dạy: “uống trà đi”. Ngài lại hỏi vị Tăng, vị Tăng đáp: “chưa từng đến”. Ngài lại dạy: “uống trà đi”.
Đây là một công án rất nổi tiếng trong lịch sử của Thiền Tông có liên quan đến uống trà. Đã đến, chưa đến, từng đến, tất cả đều không có trong hiện tại, chỉ trong phút giây hiện tại uống trà mới nhận được sự an lạc của tất cả các giác quan, vật chất cũng như tinh thần, và trong phút giây này mới tự mình nhìn nhận ra chính mình và đó cũng là Đạo và phương pháp uống trà của thiền gia.
“Trà Thiền nhất vị” đây là câu nói về trà của thiền sư Viên Ngộ đời Tống viết trong sách Bích Nham Lục chứng minh cho sự khai ngộ về trà của Thiền Tông, câu “Trà Thiền nhất vị” cũng được đệ tử người Nhật Bổn của Ngài là Vinh Tây viết lưu truyền đến Nhật Bản, hiện nay đang được lưu giữ tại Chùa Đại Đức, Nại Lương, Nhật Bản.
“Trà Thiền nhất vị” lần kết tinh thứ hai của trà trong Phật Giáo Bắc Truyền, đối với “Trà Phật nhất vị”, “trà thiền nhất vị” là một bước tiến vô cùng vĩ đại, nó thể hiện sự thể nhập về giáo lý, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, lối sống của Phật Giáo Bắc Truyền, hoàn toàn hòa nhập vào tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa của người Đông Độ, trở thành nếp văn hóa mới trong xã hội Đông Phương.
Văn hóa Thiền, sự tỉnh thức trong từng phút giây của hiện tại, trong thế giới hiện tại, và đồng thời tìm đến sự an lạc tĩnh lặng trong cuộc sống, xã hội chính mình đang sống và nhìn lại mình là gì trong thế giới hiện tại này, để rồi: “Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân” [trúc biếc hoa vàng không là cảnh bên ngoài, mây trắng bay rồi trăng lại hiện hình xưa].
Trà Thiền là chỉ cho sự thông qua đối mặt với trà, thể nhận và cảm ngộ rồi hành trì thiền tọa, quán tưởng, pháp tu này tương đồng với nhiều phương pháp tọa thiền, như quán thoại đầu.v.v.. của Thiền Tông nên gọi là Trà Đạo. Trà là căn cơ của tham thiền ngộ được phật tánh, Đạo là phương pháp và dụng cụ cách thức pha trà, thể hiện được chân lý “Thị chư pháp không tướng” tương ưng với “cảnh trần hợp nhất”, nếu hai pháp này có thể hợp nhất thì người uống trà chẳng khác gì Thiền sư, Thiền sư cũng là khách uống trà, tâm tâm tương ưng, pháp pháp hợp nhất đây là ý thú của “Trà Thiền nhất vị” vậy.
Trà và Thiền tương ứng từ nhân duyên đến thể dụng cho đến năng sở, có thể lấy trà để dụ cho Thiền, lấy trà để hành Thiền, lấy trà để ngộ Thiền, lấy trà để tham Thiền, lấy Thiền để giải thích trà, lấy Thiền để dâng trà, lấy Thiền để thưởng thức trà, nếu như có thể như vậy để uống trà, thì liễu được Trà Thiền nhất vị, là người uống trà đạt đến cảnh giới “dĩ tâm truyền tâm, dĩ ngộ tự ngộ” trong Đạo Thiền vậy.
Phật Trà là như vậy, Thiền Trà cũng không hai, đều chung một vị ngọt, giải thoát, niết bàn, tịch tịnh, ly dục. Phật là chân đế, trà là phương tiện. Thiền là cảnh giới, trà là pháp môn, tuy hai nhưng chỉ một, nhưng muốn đạt đến một thì không thể thiếu hai. Vì vậy trong trà có Đạo, trong Thiền có trà, nếu không liễu được Đạo trong trà, thì chỉ uống trà bằng vị giác, còn nếu đã thể ngộ được Đạo để uống trà, thì lục căn thể nhập lục trần, thưởng thức trà trong tâm vô quái ngại, đạt đáo cảnh giới của Thiền “Tâm – Phật – Chúng Sanh tam vô sai biệt”.

Văn Hoá Trà Việt Nam

Người Việt từ xưa, dù sống ở đồng bằng hay miền núi, dù là người sang hay kẻ hèn, luôn giữ một tập tục quý – tục uống trà. Văn Hoá Trà Việt Nam không thể thiếu vào những ngày giỗ, Tết, trên bàn thờ tổ tiên hay bên lề hội họp…

Trà là bắt đầu, trà cũng là kết thúc. Cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, người ta uống trà để “phản quan tự kỷ”; vui uống, buồn uống, một hay nhiều người cũng uống, uống trà để thấy chính mình, để sẻ chia… Sự tha thiết ấy phải chăng vì trà là người bạn trung gian, một nét văn hóa sống của người Việt.

Trà từ dân gian, cung đình...

Uống trà đã trở thành một thói quen của người Việt từ xa xưa. Trà không những được dùng làm thức uống mà còn là phẩm vật trong sính lễ, ma chay, tạ lễ, tiếp khách. Khách đến chơi thì chủ nhà dù có bận đến mấy cũng dừng việc, pha trà. Người bình dân uống trà kiểu bình dân, quý tộc có tiệc trà kiểu quý tộc. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách. Bên tách trà nóng, biết bao điều được đề cập, thổ lộ, tâm tình. Ngày nay, vẫn còn nhiều người nhất là ở thôn quê rất thích dùng chè xanh với vị ngọt chát, hương thơm nhẹ nhàng. Chè xanh được pha chế rất giản dị, dù mưa hay nắng, ấm chè xanh bên bếp lửa hồng vẫn cứ hiện hữu như một phần đời không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân quê.

Theo Lục Vũ thì cây chè đã từng có mặt ở Trung Hoa, qua thời gian người Trung Hoa nâng việc uống chè thành nghệ thuật ẩm trà, hay còn gọi là Trà kinh. Còn ở Việt Nam, uống trà cũng trở thành một thú chơi, một loại hình nghệ thuật với đầy đủ ý nghĩa của nó. Dù không có những tác phẩm kinh điển về trà như Ẩm trà ca của Lưu Đồng hay Trà kinh của Lục Vũ (Trung Quốc) nhưng Việt Nam vẫn có “văn hóa trà”, thể hiện tâm tư tình cảm của con người thông qua chén trà. Uống trà đã trở thành thú vui tao nhã, một nét văn hóa của người Việt, được xem như thuật ứng xử trong cuộc sống.
Trải qua bao biến cố lịch sử, nhiều gia đình ngày nay vẫn lưu giữ những bộ tách trà cổ quý giá, với những kiểu ấm, chén dành cho độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm. Để có một cuộc trà ngon với đầy đủ lễ nghi phải hội đủ những tiêu chí: Nhất thủy (tức nước pha trà), Nhì trà (loại trà ngon), Tam bôi, Tứ bình (là dụng cụ để pha và uống trà). Tùy theo từng miền Bắc, Trung, Nam mà cách dùng ấm và chén trà có khác. Người Huế còn dùng kiểu Vu xuân Thu ẩm – cho mùa Xuân và mùa Thu; kiểu Hạ ẩm dùng cho mùa Hạ, chén nhỏ giúp nước nhanh nguội; kiểu Đông ẩm thì chén trà dày, lòng chén sâu giữ cho trà lâu nguội.
Mời trà là một lối ứng xử văn hóa biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một cách ứng xử văn hóa, uống để đáp lại lòng mến khách của người mời trà, để bắt đầu lời tâm sự. Uống từng ngụm nhỏ để cảm thức hết các dư vị của trà, mỗi loại trà có những vị hương khác nhau, khi thì đằm thắm hương cúc, lúc thì ngọt ngào hương nhài và bát ngát hương sen… Mời và dùng trà cũng là biểu hiện sự tri kỷ, kết giao, lòng mong muốn hòa hợp.
Đôi khi trà đối với con người như là bạn là tri kỷ, trà mang lại cái hương vị ngọt ngào của cuộc sống, đắng chát của cuộc đời và mênh mang triết lý nhân sinh. Chúng ta có thể uống trà vào bất cứ thời khắc nào trong ngày. Như thế, trong đời sống thường nhật, uống trà đã trở thành nét nghệ thuật, nghĩa cử thanh cao, thanh thản và thăng hoa tâm hồn. Như một nghệ thuật sống, uống trà làm khuây khỏa đi bao buồn phiền trong cuộc đời: “Biết bao giờ mới gặp, bạn trà trên nhân gian. Lưu tình trong chén sứ, trong hương trà quan san”.

… đến chốn thiền môn

Nếu Trà đạo Nhật Bản chú trọng đến không gian trà thất và nâng nghệ thuật uống trà thành Trà đạo, người Trung Hoa chú trọng đến pháp thức uống trà, từ đó đưa nghệ thuật uống trà thành Trà pháp thì người Việt Nam, có lẽ cửa Phật là nơi thích hợp nhất cho việc thưởng trà và đồng nhất việc uống trà thành phương pháp “tĩnh tâm điều tức”, Trà thiền. Người thế tục uống trà để tìm được sự bình an giữa cõi tục, để tự mình khám phá những ý niệm, những suy nghĩ tâm đắc trong cuộc đời. Trà ở nhà Phật khác với đời thường. Cuộc thiền trà có thể đưa con người vào trạng thái an tĩnh, cho nên trà được xem như phương tiện tĩnh tọa, nên có câu: “Trà vị thiền vị thị nhất vị”, nghĩa là trà và thiền là một.
Phải nói rằng Thiền trà ở cửa Phật thể hiện rõ nét những triết lý Nho, Phật và Lão Trang qua bốn chữ Hòa, Kính, Thanh, Tịnh. Hòa là sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người; Kính là sự kính trọng, biết ơn trước sự tồn tại của sự vật; Thanh là sự thanh khiết của vật chất và tinh thần, Tịnh là sự bình an của tâm hồn. Uống trà khiến cho tâm trí minh mẫn, tinh thần sảng khoái, giúp con người thăng hoa đời sống tinh thần.
Trải qua thời gian, trà lặng lẽ bước vào đời sống con người, tuy hết sức tình cờ, giản dị nhưng lại mang nét đẹp thanh tao. Từ bao giờ, uống trà đã trở thành thú vui của nhiều người. Trà là khúc nhạc hay, tuy không có thanh điệu khiến người uống phải đồng âm hòa lại. Người ta có thể uống trà trong im lặng và nhiều khi im lặng là “nói” rồi nên có thể xét đoán tâm lý người đối ẩm lúc thưởng trà. Khi trà trở thành thú chơi tao nhã thì người ta không thể quên vì trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, sự tỉnh táo, sự tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác.

Trà Đạo - Đỉnh Cao Nghệ Thuật Ẩm Thực Của Người Nhật Bản

Trong nghi thức trà đạo, hương vị của thức uống thực tế không đóng vai trò quan trọng như tên gọi. Điều làm nên tên tuổi và đưa loại hình này thành nghệ thuật nằm ở khâu thực hiện và cách thưởng thức của thực khách.

Được biết đến như một loại hình nghệ thuật trong văn hóa Nhật Bản, từ thế kỷ thứ 12, trà đạo đã rất phát triển. Theo truyền thuyết, lúc bấy giờ, một vị cao tăng thuộc phái thiền Rinzai của Nhật có tên Eisai (1141 – 1215) sang Trung Quốc tham vấn học đạo. Khi trở về, thiền sư đã mang theo một số hạt trà trồng trong sân chùa.
Thói quen uống trà có công dụng giúp thư giãn, sảng khoái tinh thần và củng cố sức khỏe. Sự hấp dẫn đặc biệt về hương vị đã thu hút người dân Nhật Bản đến thói quen thưởng trà. Nhiều tài liệu ghi chép lại cho rằng cách thức uống trà của người Nhật Bản cũng giống Trung Quốc, chủ yếu là thưởng ngoại phong cảnh, đối ẩm. Những vùng trồng trà thường diễn ra các cuộc thi (toucha) để tìm ra nguồn nguyên liệu ngon nhất.
Cuối thế kỷ thứ 15, một nhân vật có tên Murata Jukou – học trò của thiền sư Ikyu, thuộc phái thiền Rinzai lập nên trường phái đầu tiên về uống trà để thi đấu toucha, gọi là wabicha, nghiêng về tinh thần và sự giản dị.
Chỉ một loại nguyên liệu duy nhất sử dụng cho nghi thức trà đạo là bột trà xanh với tên gọi matcha.
Cũng theo ý tưởng này, cuối thế kỷ 16, một người Nhật Bản khác có tên Senno Rikyu đã kết hợp việc uống trà với các triết lý thiền, tiếp tục lập nên cách uống mới và đặt tên cha no yuu. Sau này, cách thức pha và uống cha no yuu dần hoàn thiện, trở thành nghệ thuật, đổi tên thành sadou (hay còn gọi là chadou), nghĩa là trà đạo ngày nay.
Trong nghệ thuật trà đạo, hương vị của thức uống thực tế không đóng vai trò quan trọng như tên gọi. Chỉ một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức là bột matcha, có vị đắng, thanh mát.
Theo cuốn Văn hóa học, đối tượng chính của trà đạo Nhật Bản chính là thao tác pha từ người thực hiện và cách uống của thực khách. Hầu như cả người pha và uống đều không quá quan tâm đến hương vị trà dù rất tôn trọng sản phẩm này. Điều quan trọng là hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc, đơn sơ do họ tạo ra và để tâm trí tĩnh lặng.
Khâu pha chế món trà khá phức tạp với nhiều công đoạn cầu kỳ.
Quá trình pha trà theo đúng chuẩn thực hiện một cách từ từ, bao gồm cả việc lau chùi dụng cụ và tinh thần luôn phải tập trung. Nước pha trà tuyệt đối không sử dụng loại đang sôi do hình thức thiếu đẹp mắt. Cách đúng nhất là phải đựng nước trong một bình thủy tinh hay nấu bằng ấm kim khí không nắp trên bồn than yếu với nhiệt độ 80-90 độ C.
Trải qua 3-4 lần pha mới bắt đầu cho ra đời sản phẩm và chuẩn bị rót ra tách mời khách. Một trong những lưu ý thường được giới trà đạo Nhật Bản chú trọng là không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách bởi nó sẽ làm khác biệt về độ đậm nhạt hương vị trong tách tiếp theo.
Vì lẽ này, tất cả các tách đều được để trong khay, rót theo thứ tự 1, 2, 3, 4… lần đầu, sau đó tới lần hai với vòng ngược lại 4, 3, 2, 1. Người pha trà phải căn làm sao cho đủ đều đối với tất cả các vị khách. Để tăng thêm hương vị, người Nhật thường mời khách ăn kèm một vài loại bánh ngọt để làm tăng hương vị, nguyên liệu chủ yếu bằng đậu hoặc bột khoai, bột gạo.
Thời điểm tuyệt nhất để thưởng trà là buổi chiều tối, sau khi kết thúc ngày làm việc, thời tiết trở nên quang đãng dễ chịu, đồng thời cũng là lúc quần tụ bên gia đình. Ngày nay, việc uống trà cũng được thực hiện trong các buổi tiệc, lúc xem ca múa nhạc hay trình diện trong các sự kiện văn hóa.

Văn Hóa Phú Thọ Hút Khách Du Lịch Quốc Tế

Văn Hóa Phú Thọ Hút Khách Du Lịch Quốc Tế

Những năm gần đây, khách du lịch quốc tế đến với Phú Thọ có chiều hướng tăng mạnh. Từ khi có tuyến du lịch đường sông, xã Hùng Lô thành phố Việt Trì nhộn nhịp hơn hẳn, bởi sự có mặt của đông đảo các du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, New Zealand, Singapore...

Ông Charlotte Pinder, một du khách Anh,cho biết: "Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng, khám phá nét cổ kính của ngôi nhà cổ ở đây và trải nghiệm quy trình làm miến, bún, bánh đa, bánh chưng tại xã Hùng Lô đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Nhưng đặc biệt hơn, tại đây tôi còn được nghe hát và trực tiếp tham gia múa các điệu Xoan cổ trong không gian cổ kính tại đình Hùng Lô, khiến tôi cảm nhận được sự linh thiêng của nghi thức hát thờ Vua Hùng qua từng giai điệu, nghệ thuật biểu diễn và hiểu hơn về giá trị di sản Hát Xoan của các bạn".
Sau hơn một năm, Sở VHTT&DL Phú Thọ đưa tuyến du lịch đường sông liên tỉnh đi vào hoạt động đã thu hút được đông đảo khách quốc tế đến Phú Thọ. 
Đến nay, đã có 22 đoàn với trên 500 lượt khách quốc tế đến Phú Thọ qua tuyến đường sông với lịch trình thăm đình cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống Hùng Lô thành phố Việt Trì, thưởng thức Hát Xoan, tham quan trải nghiệm tại làng nghề nón lá Gia Thanh huyện Phù Ninh và Sai Nga huyện Cẩm Khê…
Là vùng đất hợp lưu của 3 con sông lớn gồm sông Hồng, sông Lô, sông Đà đã tạo cho Phú Thọ tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn. 
Bên cạnh đó, Phú Thọ là nơi phát tích của dân tộc Việt, nơi thờ vua Hùng - vị vua đầu tiên của dân tộc Việt; là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa gắn với lịch sử dựng nước của dân tộc, bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể. 
Trong số 9 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, tại Phú Thọ có tới 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận đó là di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…