Trà Sen – Pháp Tu Khổ Hạnh

Tôi ví việc làm Trà Sen phải như con đường của những bậc chân tu, phải có giáo lý cao minh, tinh khiết như đức Phật đã để lại chốn nhân gian, lại thêm những con người có cốt cách, có Phật duyên mới mong đạt được thành tựu.

Cái đức của trà vốn đã sáng rõ quá rồi, thiết nghĩ không cần bàn thêm nữa, như một người sinh ra đã có Phật duyên vậy. Sen sinh ra từ bùn đất mà không mất đi sự thanh cao, tinh khiết, sắc Hồng thấm đẫm cõi nhân gian, hương thơm thấu suốt tam giới. Phật pháp dung được mọi thứ trên cõi nhân gian này nhưng để chứng ngộ được thì cần lắm một cao nhân. Thế nên để Trà và Sen quện được vào nhau thì Trà phải đủ duyên, và Sen phải đủ đức. Nói như vậy nghĩa là với tôi việc lựa chọn Trà và Sen không thể qua loa được, nghĩa là không phải cứ có Trà cứ có Sen, đem góp vào với nhau thì ra được Trà Sen vậy.
Các bậc tiền nhân cao khiết đã để lại cho chúng ta một thứ trà tuyệt hảo, nhưng với khung cảnh Xã hội mỗi thời một khác, nên thiết nghĩ cũng cần có sự thay đổi, hơn nữa thời gian đã qua cho chúng ta thấy được nhiều hạn chế khách quan của Xã hội thời trước, khiến phương pháp của cha ông không thể thoát khỏi một vài nhược điểm, dù rằng các cụ đã dồn hết tâm sức mà làm, cũng như những gì chúng ta làm hôm nay, rồi ngày mai, các thế hệ con cháu sẽ chỉ ra muôn vàn nhược điểm, nhưng như thế thì mới phát triển được, được thế tôi lấy làm vui lắm lắm!

Từ xưa, cha ông truyền lại cho chúng ta hai phương pháp chế Trà Sen: một là “ướp xổi”, nghĩa là mang trà ra đầm vào lúc chập tối, cẩn trọng cho vào những bông Sen đã được lựa chọn, để qua đêm, sáng hôm sau hái vào, lấy trà ra mà thưởng thức; hai là “ướp trà khô”, phương pháp này cầu kỳ hơn rất nhiều, ta phải hái Sen vào rồi tỉ mẩn lọc hết gạo Sen ra, dùng gạo ấy mà ướp trà, làm cầu kỳ thì lên đến 5-7 lần ướp đi ướp lại để có được một cân trà Sen đượm hương có khi tốn đến hàng nghìn bông Sen và mất cả chục ngày trời là bởi vậy. Cầu kỳ là thế nhưng vẫn không khỏi có những nhược điểm, ta thấy nước trà Sen ướp khô thường bị đỏ, kém vị, hương thơm thường nồng, bởi trà phải kinh qua ba thứ đáng sợ nhất đối với nó là nhiệt độ cao, ẩm độ cao và cường độ sáng mạnh, thế nên nó đã bị biến chất, cũng như con người, kinh qua khổ nạn không khỏi bị tha hóa nhân cách phần nào. Đó là đối với ướp khô, thế còn “ướp xổi”, đây là một pháp chế tuyệt vời để Sen được tươi mới, trà giữ được cốt cách của mình, nhưng khổ nỗi ướp xong phải dùng ngay mà đâu phải nơi nơi đều có Sen bách diệp để làm, thế nên cái thứ trà vi diệu ấy không đến được với đông đảo trà nhân, tôi cho là đáng tiếc lắm. Nhờ vào sự phát triển của Công nghệ, chúng ta có thiết bị lạnh, giúp đông cứng mọi thứ ở âm độ, trong môi trường âm độ đó gần như không bị biến chất, thế nên nhiều người đã ứng dụng mà ra được trà “ướp xổi” đông lạnh. Hãy hình dung khi trà đó mang ra khỏi thiết bị, tiếp xúc với môi trường bên ngoài và bắt đầu “rã đông”, hơi nước ngoài môi trường ngưng tụ trên bông Sen làm cho ướt nhép, nước bên trong cánh Sen bị đông đặc thành đá khi ở trong thiết bị lạnh, nhưng khi “rã đông” thành nước và tế bào cánh Sen đã bị phá vỡ không còn giữ được nước nữa, nước này phát tiết ra ngoài và phủ lên cánh trà mang theo mùi ủng của tế bào chết thấm vào trà, vậy đã làm cho cả trà và Sen mất đi sự thanh khiết. Hơn nữa, chúng ta hình dung, trên bàn trà, khi dỡ một bông Sen ra thì ngổn ngang nào lạt, nào túi, nào lá … và hơn hết là sự tả tơi, nhợt nhạt của từng cánh hoa Sen gợi nên hình ảnh chết chóc. Trong khi lẽ ra bàn trà phải là nơi gọn gàng, sạch sẽ, là nơi để thưởng giám nghệ thuật, là nơi mà mọi thứ có mặt phải gợi ra một hình ảnh cao khiết, thanh nhã chứ không phải là sự chết chóc như bông Sen kia, thật khiếm nhã lắm!.

Phương pháp các cụ đã để lại là “ướp xổi”, theo tôi hậu bối chúng ta phải có trách nhiệm xóa đi chữ “xổi”, như thế thì mới thể hiện được sự tôn kính với cha ông, sau khi lấy trà ra khỏi bông Sen thì bông Sen đó vẫn phải có vẻ đẹp cao khiết, như bậc chân tu để lại thân xác vậy. Trà phải là trà phải giữ được cái đức vốn có và phải được thăng hoa nhờ vào đặc tính cao khiết của Sen như những viên xá lợi mà các vị chân tu để lại. Tôi tư duy như vậy để giúp tôi bước đầu làm được như sau …