Thức thưởng trà cung đình Huế

Thức thưởng trà cung đình Huế

Cũng như nhiều quốc gia uống trà khác trên thế giới, thú uống trà của người Huế xuất phát từ cung đình.
Uống trà theo kiểu cung đình Huế phải có một bộ đồ trà đúng kiểu. Không phải chỉ ở bộ đồ trà dùng cho suốt cả 4 mùa mà kiểu cách uống trà của Huế còn thể hiện ở chỗ có bốn loại chén trà dành cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Người xứ Huế uống trà theo mùa còn gọi là thời trà.
Người Huế uống trà như một hình thức lễ nghi, dẫu uống một người (còn gọi độc ẩm), hai người (còn gọi đối ẩm), ba người, bốn người hay nhiều người (còn gọi quần ẩm) thì mọi thao tác vẫn được giữ nguyên, kể cả những cung cách pha trà, rót trà, nâng ly trà.
Về nguyên liệu chỉ có hai loại trà và nước. Nhưng chỉ riêng hai nguyên liệu cũng mất rất nhiều thời gian vì sự cầu kỳ, công phu. Từ việc hái chè ở hướng nào, giờ nào, cách ngắt ngọn ra sao, người thiếu nữ hái chè phải để móng tay dài bao nhiêu, cho đến công đoạn ngâm tẩm, phơi, sao khô là cả những qui trình nghiêm ngặt… Nước để pha trà cũng có những câu chuyện dài, nước mưa phải hứng từ đâu, nước giếng thì giếng phải sâu như thế nào, nước suối thì lấy ở đâu: đầu nguồn, giữa nguồn hay cuối nguồn …. Sự công phu ấy cho thấy trà không đơn thuần là một thức uống mà người ta đã lồng vào đó bao công sức và tâm huyết để nâng lên thành một nghệ thuật.
Đun nước để pha trà cũng lắm công phu. Để có một bình trà ngon, nước đun sôi chỉ ở dạng sủi tăm, nước sôi già quá sẽ làm cho trà nhanh chín, hương thơm không còn. Tinh tế đến vậy thì người uống trà cũng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng , luôn hướng đến vẻ đẹp của trời đất, của con người thì mới thẩm thấu hết hương vị của chén trà.
Uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu.
Trong thú uống trà của người Huế, có một điều đặc biệt là thường đi kèm với một loại bánh đặc sản của Huế đó là các loại bánh in làm bằng đậu xanh, hạt sen hoặc bằng bột nếp được gói bằng giấy màu ngũ sắc của Huế
Trước đây, để phục vụ các vua thời Nguyễn những người trong cung có cách pha trà rất độc đáo: buổi chiều tối cho trà vào những búp sen mọc ở hồ Tĩnh Tâm trong Hoàng thành; sáng sớm hôm sau lấy trà để pha trà với hương sen tự nhiên tinh khiết, thoang thoảng. Ngày nay, người ta pha trà cung đình đơn giản hơn. Sau khi trộn đều gói trà với nhau, cho khoảng 20 gram trà vào bình, chế nước sôi tráng nước đầu tiên rửa trà. Tiếp tục đổ nước sôi vào bình trà lần hai để sau khoảng 5 phút rồi rót ra tách để thưởng thức.
Ở Huế còn lưu truyền câu chuyện hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà, còn trà thì bọc trong hoa sen để có hương thơm tự nhiên.
Hiện nay, ở Huế, những gia đình làm trà cung đình hầu hết thuộc dòng dõi vua quan triều Nguyễn. Trà được làm từ nhiều loại thảo dược khác nhau như: Atiso, cúc ngọt, cúc hoa, vối nụ, câu kỳ tử, hoài sơn, tim sen Huế, cam thảo bắc,  đại táo, hồng táo, khổ qua, hoa hòe, hạt chi chi, hoa lài, quyết minh tử… Người ta bào chế trà theo bí quyết truyền thống của cung đình như chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo luật âm dương, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào.
Người ta nói rằng uống một bình trà cung đình có công dụng bồi bổ sức khỏe tương đương một chén thuốc Bắc, tốt cho người tiểu đường, giúp người già ngủ ngon, bình ổn huyết áp; mang lại cho chị em phụ nữ làn da mát rượi, mịn màng. Với người trẻ, uống vài chén trà cung đình sẽ tăng cường sức khỏe, giảm bớt căng thẳng…
Thưởng thức trà cung đình Huế còn để cảm nhận một phần tính cách Huế: tinh tế, tao nhã và trầm tĩnh! Chỉ mất 30 nghìn đồng, bạn đã có thể thưởng thức trà cung đình Huế. Không gì thú vị bằng khi uống trà trong cảnh mưa tuôn nặng hạt – nét đặc trưng của Huế – mà người Huế gọi là “giọt nhớ giọt thương”. Nhấp ngụm trà, vị đăng đắng của tim sen Huế, của khổ qua,  vị ngọt mát của Atiso lan tỏa, hòa lẫn hương thơm của hoa cúc, lài… trong một khung cảnh nho nhã, tĩnh lặng. Khách còn được mời ăn kẹo lạc Huế ngọt lịm, giòn tan.