Tại sao chúng ta lại uống trà với Ấm Tử Sa?

Tại sao chúng ta lại uống trà với Ấm Tử Sa?

Tôi sinh ra thuộc thế hệ “Chè Chén“, thời mà các quán nước trà ven đường mọc lên rất nhiều tại Hà Nội.  Lớn lên được biết quán Trà  Xanh của cụ ngoại tôi mở từ năm 1958 tại 25 Nguyễn Du trước cửa cơ quan Tổng Cục Bưu Điện. Nước Chè Xanh của cụ tôi được múc ra từ vò sành được ủ kỹ trong  lớp vải bố gai bên  ngoài là thùng gỗ nâu sậm theo thời gian bằng  chiếc gáo dừa nhỏ. Bát nước chè xanh luôn có màu vàng sóng sánh như mật ong rất hấp dẫn người đang lúc khát. Cho tới chén trà mạn 5 xu thời bao cấp cũng được cụ tôi chu đáo chuẩn bị, chăm chút từng khâu : lựa trà, lựa nước, lựa bình pha trà và hãm trà sao cho thật ngon, thật đậm đà. Quán Trà này là một thời hội tụ “Chè Chén“  cán bộ Tổng Cục Bưu Điện và bà con lối phố nó  đã chứng kiến nhiều thay đổi của thời cuộc.
Thế nhưng cách uống trà Tàu, uống trà thanh nhã  theo kiểu Hà Nội xưa lại khác và  tôi chỉ được nghe kể lại  khi uống trà trong gia đình. Và Cái ấm đất, Chén Trà Trong Sương những câu truyện của cụ Nguyễn Tuân đã nhập tâm vào tôi, câu chuyện đó không chỉ  là thú uống trà thanh tao  mà nó còn bao hàm cả triết lý thưởng ngoạn và kinh doanh.
Sớm được tiếp xúc với trà và cảm được cái thú uống trà tôi say mê luôn những chiếc Ấm uống trà Tầu theo kiểu Hà Nội ngày xưa , đó chính là Ấm đất Tử Sa, nó là một bộ phận hợp thành văn hóa Trà.
Từ chỗ yêu thích thêm một bước nữa là sưu tầm và trong quá trình sử dụng tôi mới hiểu được thế nào là Ấm đất Tử Sa chính thống ? Hiểu được một phần nào tính năng, thành phần  cấu tạo của đất , độ hút nước, thông khí của chất đất tử Sa, cũng như công dụng pha Trà của Ấm Tử Sa và cả kỹ thuật chế tác, phong cách trang trí, nghệ thuật của danh nhân , danh tác. Phong cách thưởng ngoạn Ấm Tử Sa của tôi cũng hình thành dần.
Thưởng ngoạn Ấm Tử Sa  vừa đơn giản  mà vừa thâm thúy. Qua đó ta mới thấy  được tài hoa của người thợ và nét đẹp tiềm ẩn của văn hóa Phương Đông.