Việt Nam có phải là nơi trồng cây chè đầu tiên trên Thế giới

Việt Nam có phải là nơi trồng cây chè đầu tiên trên Thế giới

Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người, theo Bách khoa Toà thư thì người Việt cổ của chúng ta đã biết dùng trà vào khoảng 4700 năm trước, khởi từ trồng tỉa trên địa hình có thế núi, có nắng, gió, mưa, có đất thiêng nhào nặn thành lộc non, lá nõn, cho đến khi pha trà, uống trà đều là một kỹ thuật và nghệ thuật, mà mỗi chặng mỗi nhịp đều phải đạt đến chân nghệ thuật thì một ly trà ngon của cái đích cuối cùng mới thật là viên mãn. Bởi vậy, trong sản phẩm của nhân sinh, trà có thể được coi là nghệ thuật tinh vi nhất.
Những đồi trà dù ở Lâm Đồng, Phú Thọ hay Thái Nguyên luôn cuốn hút những nhà quay phim và chụp ảnh, những luống trà như những đường tóc rẽ ngôi bởi nắng vàng, trà tươi búp non sương, trà chia cành xếp cội như cây cảnh trong vườn. Nhưng sẽ còn nhiều điều khác thú vị hơn nữa về cái giống cây mà con người đã thuần hoá kia, chúng đâu chỉ cao bằng nửa thân người, chúng sống lâu hàng nhiều trăm tuổi, những thông tin về cây trà rừng, trà núi thuỷ tổ của trà Việt Nam thực sự hấp dẫn mỗi người dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Hiệp Hội Chè Việt Nam nói "Ngành chè Việt Nam có một lịch sử rất lâu đời và được các nhà khảo cổ, các nhà bác học của thế giới đều khẳng định rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của cây chè thế giới. Minh chứng rằng năm 1960 khảo cổ Việt Nam khi đào tại Hang Tam Long tại Hoà Bình đã đào được hạt chè hoá đá có cách đây khoảng 10.000 - 13.000 năm, khảo cổ này đã báo cáo tại Hội nghị khảo cổ tại Paris năm 1960. Và kết hợp đối chiếu tại các vùng khảo cổ của lịch sử thế giới thì thống nhất toàn thế giới là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... Hiện nay trong bảo tàng lớn nhất của Việt Nam là trên dãy Hoàng Liên Sơn chúng ta đã có hàng vạn cây chè cổ thụ hai ba người ôm không xuể. Việt Nam có 5 giống chè trồng ở 34 tỉnh thành phố Việt Nam. Chúng ta chọn những nơi đất dốc độ cao từ 5 độ cho đến 25 độ, cho nên chè sống ở vùng núi trung du và vùng núi phía bắc, nơi khó khăn nhất thì đồng bào trồng chè, thống kê sơ bộ có hơn 6 triệu người tham gia trồng và sản xuất chè".
Leo dốc đi tìm những "cụ" trà ở đâu đó trên vùng cao Tuyên Quang, Hà Giang thú vị chẳng khác gì đi Đồng Tháp Mười hoang sơ để tìm cây lúa ma, lúa trời. Khác với Cam, Quýt, Xoài, Bưởi... Trà đã sống với người Việt từ thủa hồng hoang.
"Người có Tổ có Tông, Cây có gốc có ngọn" chúng tôi xếp tàm tạm một câu tục ngữ như vậy để làm khí thế cho cuộc leo dốc tìm những "cụ" trà già. Hơn một giờ cuốc bộ cuối cùng chúng tôi cũng được ngửa mặt lên trời để chiêm ngưỡng cây trà "bách niên giai lão". Cây chè này toạ lạc tại thôn Tà Tục, xã Đức Xuân, huyện Thanh An, tỉnh Cao Bằng.
Ông Nông Văn Bông chủ nhân cây chè cho biết "Cây chè đắng này có từ thời Cụ cố của tôi, từ thời Pháp thuộc đã đem những cây con về trồng và được cây chè đắng này, được cả thôn cả xóm chuộng dùng. Cây chè đắng có tác dụng: giải nhiệt, dễ ngủ, lợi tiểu và kích thích tinh thần và minh mẫn chống lão hoá..."
Nhà thơ Nguyễn Duy và Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn là hai sư phụ lớn tuổi nhất nhưng lại là người hăng hái đi tìm những cây trà lưu niên nhất, các anh uống trà từ thủa còn nằm nôi, còn chúng tôi khi khát nước chỉ làm bạn với trà đá thôi, các anh đi khắp xứ cũng có nghĩa là đã uống trà khắp xứ, với chúng tôi các anh là trà sư, là trà sĩ, nếu nói đời lính pha trà quả bằng bi đông như thế nào thì Nguyễn Duy có thể tới sáng chưa hết chuyện, nếu nói người Huế uống trà ra sao thì kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn kể không biết mệt là gì. Còn bây giờ chúng tôi đã đến vườn chè Shan Tuyết, thực ra gọi là Shan là được rồi vì tiếng Tày Shan có nghĩa là Tuyết.
Nguyễn Duy gặp trà như rồng gặp mây, thấy anh ẩm thực theo cách hết sức hoang dã ấy chúng tôi chợt nhớ đến cảm khái của một đại sĩ trà: "tôi ôm ấp ly trà giữa bàn tay và nhìn thấy tất cả thiên nhiên trong màu xanh của trà". Nhắm mắt lại tôi thấy rừng núi xanh xanh và nước trong vắt trong trái tim tôi, ngồi im lặng một mình uống trà tôi cảm thấy tất cả trở nên một phần cơ thể thôi.
Đi tìm trà như đi tìm cái điều mình yêu, điều đó chắc cũng không có gì quá đáng, người ta nói hồi trước người Trung Hoa sang đây lùng tìm Trà Đắng một cách trang trọng. Người Trung Hoa dạy cho cả thế giới biết uống trà, nhưng người ta chỉ tìm thấy cây trà thiên nhiên ở vùng biên giới Hoa Ấn, Miến Điện và vùng Tây Bắc Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng điều đó chứng tỏ người Việt biết uống chè đắng trước người Trung Hoa. Chè Đắng hay còn gọi là Khổ Đinh Trà, tiếng Tày gọi là Ché Khôn, chè đắng cao bằng đã từng là sản phẩm để cung tiến Vua, nó là loại chè lưỡng dụng, vừa làm chè xanh, nụ vối, vừa làm thuốc bởi vậy người đời mới ngâm nga "canh khuya ba chum rượu, sáng sáng một chén trà, ngày nào cũng như vậy, thầy thuốc vắng nhà ta". Những doanh nhân hăng hái phát triển thương hiệu Chè đắng Cao Bằng còn ca tụng thêm, đã hơn 2000 năm tinh hoa của đất trời kết tinh trong lá chè Cao Bằng.
Người dân tộc uống chè đắng thường xuyên trong ngày, dù là đàn ông hay đàn bà đều có thể tự tay mình pha chè, nước từ suối, lá chè lấy từ rừng hay trong vườn, cả ngọn lửa đun sôi nguồn nước suối ấy cũng cháy lên từ những cành khô quanh đây thì thật là sự lựa chọn hoàn hảo.
Lang thang qua những địa danh trà chúng tôi tới Tân Cương một vùng bán sơn địa cách Thành phố Thái Nguyên hơn 10km đây là vùng đồi bát úp bên bờ sông Công cuốn quanh núi Cốc. Trà ở đây như thể ướp từ huyền thoại rằng do tình yêu trắc trở mà người thì đau nước mắt thành sông, người thì chờ dáng người thành núi còn người đương thời thì kể rằng cây chè Tân Cương có mặt tại vùng đất Thái Nguyên từ năm 1920 do ông Đội Năm - Vũ Văn Hiệt, sau khi đi lính cho Pháp sau về lấy giống chè từ Bạch Hạc Phú Thọ về trồng tại Tân Cương. Được nghe kể lại rằng ông Hiệt đã dạy cách xao chè bằng chảo gang và sau đó lấy hương bằng chảo đồng, đây là công đoạn chế biến cực kỳ tinh xảo và kỳ công, phải kén chọn những người có kinh nghiệm đặc biệt thì mới cảm nhận độ lửa, độ nhiệt qua đôi bàn tay của người thợ mới biết rằng chè khi nào có chất lượng tốt nhất và đến độ hương nhất mà không bị cháy, bị non lửa. Chè Tân Cương thực sự đặc biệt khác so với các loại Chè nào khác trong các vùng chè của Tỉnh Thái Nguyên chứ không phải của Tỉnh khác, bởi lẽ cánh chè Tân Cương rất mỏng và xoăn chính là do chất đất của Tân Cương là đất mặt rất mỏng nên búp chè Tân Cương rất mỏng, để hái 1kg chè búp khô thì phải hái rất nhiều búp chè xanh Tân Cương.