Trà hương lài ký ức

Trà hương lài ký ức

Ngày tôi còn là cậu nhóc lớp 5 bé tẹo, Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn còn nghèo. Đi rong ruổi nội thị vẫn dễ dàng tìm thấy một mùi hương rất thú vị: hương hoa lài (nhài)! Hoa nhài, theo cách gọi của người Bắc - nghe có vẻ thanh nhã, thanh tao. Người Quảng lại gọi là hoa lài, nghe ngồ ngộ mà thương chi lạ!
Hương nhài nhẹ mà vấn vít rất lâu.
Lài là một dạng cây bụi, mọc thấp, có nhiều nhánh nhỏ. Lá và hoa đều nhỏ xinh như cây vậy! Hoa có màu trắng sữa, khi nở xoè đều những cánh đơn mỏng mảnh. Thuở ấy không khó để tìm những khu vườn trồng lài trên đất Tam Kỳ. Lài không phải là loại cây kén đất. Lài khá dễ tính, lại ít công chăm sóc, chỉ cần tưới nước đều. Lài cho hoa một đợt, không lâu, nhưng hoa lài mang cho cuộc sống nhiều hơn là vẻ đẹp đơn thuần của những bông hoa.
Với địa thế lúc ấy, người dân nội thị Tam Kỳ phát triển được một nghề mà bây giờ chỉ còn tìm thấy ở Hãng Chính Chè nổi tiếng ở Hà Nội với nghề làm trà hương lài. Hương hoa lài thơm nhẹ, mà vấn vít rất lâu. Những cánh đơn trắng mỏng toả hương dịu dàng, ngắm và thưởng thức cứ tưởng chừng như là hương con gái. Làn hương thi vị ấy theo bàn tay người thợ ngấm vào từng cọng trà, rồi lại toả lan trong chiếc chén nhỏ mỗi lần pha chế.
Nghề làm trà lài không khó, nhưng cũng như mọi ngành nghề khác, nó có những đòi hòi của riêng mình. Người làm nghề phải có tính cẩn trọng và nhẫn nại. Đặc điểm ấy là yêu cầu chung trong tất cả các công đoạn cho đến khi thành phẩm. Hoa lài không lấy cả cuống, chỉ hái mỗi bông. Người trồng lài có ba thời điểm khác nhau để hái, tuỳ vào mục đích. Ba thời điểm ấy là: sáng sớm tinh sương, tầm trưa nắng nỏ (độ 11-12h) và chiều sắp tàn (khoảng sau 16h).
Làm nghề trà hương nhài phải có tính cần trọng và nhẫn nại.
Hoa lài chín vào độ 16-17h. Bắt đầu nở lúc 20-21h. Hái hoa vào lúc sáng tinh sương sẽ thu được những bông “nặng ký” nhất. Lúc này, hoa nở bung, một số bông nở sớm bắt đầu tàn, còn nụ hoa thì vẫn đang se sắt. Người thợ chỉ hái bông không hái búp. Những bông ngậm sương chính là bông được ưu ái nhất vì nó đang độ đậm hương, trông tươi ngon và đặc biệt là nặng cân hơn những bông khác. Người hái hoa để đem bán thường chọn thu hoạch vào thời điểm này. Tầm 20-21h, hoa bắt đầu nở thì cũng là lúc ướp trà. Đây là thời điểm ướp tốt nhất vì hoa bắt đầu toả hương. Trải đều trà ra mẹt rồi phủ một lớp hoa lên trên. Cứ như vậy, một lớp trà, một lớp hoa, một lớp trà, một lớp hoa… Ướp trong vòng mười tám đến hai mươi bốn tiếng. Trong thời gian này, người thợ có thể tranh thủ làm những việc khác, trước hết là ngủ để giải lao.
Sau giờ ướp hoa, đến lúc lọc trà. Trà đã ngậm hết hương làm cho những bông hoa không còn màu trắng sữa nữa mà chuyển sang trong suốt. Người ta dùng sàng để lọai bỏ những bông đã ướp xong. Lắc nhẹ và đều tay tấm sàng, những cọng trà rơi xuống ào ạt như một đợt mưa, thơm kỳ lạ. Sàng phải là loại có mắt vừa đủ để cọng trà lọt qua nhưng không được quá lớn để tránh làm dập nát cánh hoa, làm mắc cánh hoa và không thu được lớp trà như ý. Sau đó đem trà bỏ vào túi chống ẩm và sấy khô. Như vậy là xong một lượt. Lặp lại bốn lần rồi mới đóng gói thành phẩm. Điều tối kỵ trong suốt các công đoạn làm trà hương lài là không được dùng quạt máy vì hơi nóng và gió quạt sẽ làm hỏng mùi hương trà… bởi hoa lài có hương thơm lắm! Mùi hương thơm ngọt như mùi con gái. Bỏ chút công ướp trà, sẽ vấn vít trong từng giọt ấm nóng mỗi ngày cuối xuân, trong cái oi nồng đầu hạ, làn hương thơm dịu dàng thanh khiết
Thời gian trôi đi, cuộc sống đổi thay nhiều, Tam Kỳ đã trở thành phố thị. Giờ, đi suốt những con đường, qua những ngã ba, ngã tư tấp nập, không tìm đâu thấy làn hương quen thuộc thời thơ ấu nữa. Người trẻ xứ Quảng giờ không biết đến một loại trà có hương vị đặc biệt từng một thời thịnh hành nơi thị xã nhỏ bây giờ là thành phố này… đôi khi tranh thủ chút thời gian giữa bộn bề cuộc sống, vẫn lẩn thẩn rong ruổi trên những con đường mong tìm lại làn hương xưa cũ ấy. Tìm hoài không thấy! Cứ tiếc nuối mãi một điều gì không gọi nỗi thành tên…