Trà cụ - Gốm sứ Việt Nam

Trà cụ - Gốm sứ Việt Nam

Bộ đồ trà là một bộ phận hữu cơ không thể vắng mặt trong một buổi uống trà, đó là một niềm kiêu hãnh, một thú vui sành điệu, quý phái của chủ nhà. Vừa thưởng thức hương vị quyến rũ của trà, lại vừa ngắm nghía nét đẹp tinh tế của bộ ấm chén gốm sứ pha trà. Mỗi dân tộc có những kiểu trà cụ độc đáo khác nhau như bộ đồ trà gốm của Trung Hoa, Việt Nam; Samovar ở Nga và bộ đồ trà bạc ở Anh.
Tại Việt Nam thời kỳ phong kiến dân lao động tại nông thôn thành thị uống chè tươi bằng bát đàn của lò gốm thủ công Việt Nam. Giới vua quan triều đình và giới thượng lưu sỹ phu và thương gia giàu có và chịu chơi thì đua nhau sắm các bộ đồ trà nổi tiếng của các Lò sứ Cảnh Đức Trấn và Nghi Hưng Trung Quốc Đời Nhà Tống, Minh, Thanh ghi nhớ trong hai câu thơ lục bát sau đây.
Thứ nhất Thế Đức gan gà,
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.

Gốm sứ và trà cụ Việt Nam

- Đồ gốm Việt Nam là tên gọi chung của 5 loại chất liệu: đất nung, sành nâu, sành xốp, sành trắng và sứ. Đất sét là nguyên liệu chính để làm gốm, là đối tượng nghiên cứu của ngành silicat hiện đại. Còn lửa - nhiệt độ trong lò nung - là vấn đề kỹ thuật quyết định một sản phẩm ra lò tròn hay méo vàng hay trắng, men màu hiện ra khác nhau tuy cùng một công thức.
- Có 4 loại gốm: Gia dụng, nghệ thuật, kiến trúc và kỹ thuật. Vẻ đẹp của gốm là sự kết hợp của nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ. Đồ gốm bản địa Việt Nam chịu ảnh huởng tiếp biến của gốm Trung Hoa và phương Tây trong quá trình lịch sử phát triển của đất nước.
- Sự phát triển của nghề gốm sứ Việt Nam đã trải qua những mốc tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật ngày càng cao sau đây:
Gốm tiền sử: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Sa Huỳnh.
Gốm thế kỷ I - IX: Giao lưu với phương Bắc, ấn Độ và quốc đảo Đông Nam, trên cơ sở gốm đất nung Đông Sơn, còn có chất liệu sành xốp từ đất sét trắng, sành nâu và gốm kiến trúc ở nhiều tỉnh miền Bắc, với 2 trung tâm Thuận Thành - Bắc Ninh (gốm nâu) và Tam Thọ - Thanh Hoá (đất trắng), sản xuất gốm gia dụng ăn uống, chứa đựng.
Gốm thế kỷ X - XIV, đời Nhà Trần có gốm sành sứ tráng men, gốm hoa nâu, gốm hoa trắng, gốm men ngọc, men nâu, men trắng ngà làm thạp, liễn, bát đĩa ấm chén nổi tiếng. Hai trung tâm gốm sứ lớn là Bát Tràng (Hà Nội) và Chu Đậu (Hải Dưuương).
Gốm thế kỷ XV - XIX, Đời Nhà Lê, ngoài sành xốp, sành trắng hoa lam, men nâu, tam sắc, men rạn của Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), còn có sành nâu không men Hương Canh (Vĩnh Yên), sành nâu men da lươn Phù Lãng (Bắc Giang); miền Trung có Lò chum (Thanh Hoá); xuất khẩu sang Nhật Bản, Nam á và Tây á theo “Con đường gốm” (thế kỷ XIV - XVI)
Gốm thế kỷ XX, có thêm Lò gốm Mông Cái, Cây Mai (Sài Gòn - Chợ Lớn), Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hoà (Đồng Nai), làm đồ dân dụng bát đĩa, ấm chén, lu, khạp nổi tiếng, gốm nghệ thuật Biên Hoà với hoa văn chi tiết, màu sắc tươi tắn rực rỡ. Sau 1954, khôi phục các lò gốm thủ công truyền thống, đầu tư xây dựng Nhà máy Sứ Hải Dương và Nhà máy sứ Lào Cai hiện đại.

Gốm sứ Bát Tràng

Là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát (鉢) là bát ăn của nhà sư (tiếng Phạn là Patra), chữ Tràng (場, còn đọc là Trường) nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo các cụ già trong làng kể lại, chữ Bát bên trái là bộ "Kim-金" ví với sự giàu có, "本-bản" có nghĩa là cội nguồn, nguồn gốc.
Xã Bát Tràng (社鉢場) là tên gọi cũ của làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội từ trước năm 1945. Trước đây hơn 700 năm, người dân thôn Bát Tràng di cư từ làng Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, theo vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đến vùng đất bồi trên bờ sông Hồng, lập phường làm nghề gốm (gạch xây dựng); lúc đầu thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, Từ năm 1961 đến nay, huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.
Lịch sử
Theo sử biên niên có thể xem thế kỷ 14-15 là thời gian hình thành làng gốm Bát Tràng.Đại Việt sử ký toàn thư chép "Nhâm Thìn, Thiệu Phong năm thú 12 (1352)... mùa thu, tháng 7, nước lớn tràn ngập, vỡ đê xã Bát, Khối, lúa má chìm ngập. Khoái Châu, Hồng Châu và Thuận An bị hại nhất". Xã Bát là xã Bát Tràng, xã Khối là xã Thổ Khối, hai xã ven đê bên tả ngạn sông Nhị, tức sông Hồng ngày nay. Theo dân gian, tục truyền vào thời nhà Lý, có ba vị Thái học sinh được cử đi sứ Bắc Tống. Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được một số kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng quê hương. Như vậy nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời nhà Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127.Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh.

Quy trình sản xuất đồ gốm Bát Tràng

Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lí và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men, và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò".
Người thợ gốm quan niệm hiện vật gốm không khác nào một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành (五行) là kim (金), mộc (木), thuỷ (水), hoả (火) và thổ (土). Sự phát triển của nghề nghiệp được xem như là sự hanh thông của Ngũ hành mà sự hanh thông của Ngũ hành lại nằm trong quá trình lao động sáng tạo với những quy trình kĩ thuật chặt chẽ, chuẩn xác.

Quá trình tạo cốt gốm

Chọn đất
Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Những trung tâm sản xuất gốm thời cổ thường là sản xuất trên cơ sở khai thác nguồn đất tại chỗ. Làng gốm Bát Tràng cũng vậy, sở dĩ dân làng Bồ Bát chọn khu vực làng Bát Tràng hiện nay làm đất định cư phát triển nghề gốm vì trước hết họ đã phát hiện ra mỏ đất sét trắng ở đây.
Xử lí, pha chế đất
Trong đất nguyên liệu thường có lẫn tạp chất, ngoài ra tuỳ theo yêu cầu của từng loại gốm khác nhau mà có thể có những cách pha chế đất khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp.
Tạo dáng
Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Bát Tràng là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay, trước đây công việc này thường vẫn do phụ nữ đảm nhiệm.
Phơi sấy và sửa hàng mộc
Tiến hành phơi sản phẩm mộc sao cho khô, không bị nứt nẻ, không làm thay đổi hình dáng của sản phẩm. Biện pháp tối ưu mà xưa nay người Bát Tràng vẫn thường sử dụng là hong khô hiện vật trên giá và để nơi thoáng mát. Ngày nay phần nhiều các gia đình sử dụng biện pháp sấy hiện vật trong lò sấy, tăng nhiệt độ từ từ để cho nước bốc hơi dần dần.

Quá trình trang trí hoa văn và phủ men

Kỹ thuật vẽ
Thợ gốm Bát Tràng dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn học tiết phải hài hoà với dáng gốm, các trang trí hoạ tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm.
Chế tạo men
Men tro là men đặc sắc của gốm Bát Tràng, ngoài ra còn có men màu nâu, thành phần loại men này bao gồm men tro cộng thêm 5% đá thối (hỗn hợp ôxít sắt và ôxít mangan lấy ở Phù Lãng, Hà Bắc). Từ thế kỉ 15 thợ gốm Bát Tràng đã từng chế tạo ra loại men lam nổi tiếng. Loại men này được chế từ đá đỏ (có chứa ôxít côban) đá thối (chứa ôxít mangan) nghiền nhỏ rồi trộn với men áo. Men lam phát màu ở nhiệt độ 1250°C. Đầu thế kỉ 17 người Bát Tràng dùng vôi sống, tro trấu và cao lanh chùa Hội (thuộc Bích Nhôi, Kinh Môn, Hải Dương) có màu hồng nhạt điều chế thành một loại men mới là men rạn.
Tráng men
Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung. Kĩ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men nên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là "kìm men", và khó hơn cả là hình thức "quay men" và "đúc men". Quay men là hình thức tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc, còn đúc men thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm. Những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng, vừa là kĩ thuật vừa là nghệ thuật, được bảo tồn qua nhiều thế hệ, thậm chí đã từng là bí quyết nghề nghiệp.
Sửa hàng men
Người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm lần cuối trước khi đưa vào lò nung. Trước hết phải xem kĩ từng sản phẩm một xem có chỗ nào khuyết men thì phải bôi quệt men vào các vị trí ấy. Sau đó họ tiến hành "cắt dò" tức cạo bỏ những chỗ dư thừa men, gọi là "sửa hàng men".
Quá trình nung
Khi công việc chuẩn bị hoàn tất thì đốt lò trở thành khâu quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Vì thế giờ phút nhóm lò trở nên thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả cao tuổi nhất thắp ba nén hương và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa phù giúp. Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì lại hạ nhiệt độ từ từ chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.
Lò nung
Lò ếch Lò đàn
Lò bầu, hay lò rồng
Lò hộp hay lò đứng
Lò con thoi (hay lò gas), lò tuynen (lò hầm, lò liên tục):
Bao nung
Gần đây bao nung thường được làm bằng đất sét chịu lửa có mầu xám sẫm trộn đều với bột gạch hoặc bao nung hỏng nghiền nhỏ (gọi là sa mốt) với tỉ lệ 25–35% đất sét và 65–75% sa mốt.
Nhiên liệu
Đối với loại lò ếch có thể dùng các loại rơm, rạ, tre, nứa để đốt lò, sau đó Bát Tràng dùng kết hợp rơm rạ với các loại "củi phác" và "củi bửa" và sau nữa thì củi phác và củi bửa dần trở thành nguồn nhiên liệu chính cho các loại lò gốm ở Bát Tràng.
Chồng lò
Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Việc xếp sản phẩm trong lò nung tuỳ theo sản phẩm và hình dáng, kích cỡ của bao nung trên nguyên tắc vừa sử dụng triệt để không gian trong lò vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lại đạt hiệu nhiệt cao.
Đốt lò
Nhìn chung đối với các loại lò ếch, lò đàn, lò bầu thì quy trình đốt lò đều tương tự nhau và với kinh nghiệm của mình, người "thợ cả" có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò.

Những đặc điểm của gốm Bát Tràng

Đồ gốm gia dụng: Bao gồm các loại đĩa, chậu hoa, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, choé và hũ.
Đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng: Bao gồm các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, mâm gốm và kiếm.
Đồ trang trí: Bao gồm mô hình nhà, long đình, các loại tượng như tượng nghê, tượng ngựa, tượng Di Lặc, tượng Kim Cương, tượng hổ, tượng voi, tượng người ba đầu, tượng đầu khỉ mình rắn và tượng rồng.
Trang trí
Thế kỉ 14–15: Hình thức trang trí trên gốm Bát Tràng bao gồm các kiểu như khắc chìm, tô men nâu theo kĩ thuật gốm hoa nâu thời Lý–Trần, kết hợp với chạm nổi và vẽ men lam. Khoảng thời gian này đánh dấu sự ra đời của dòng gốm hoa lam đồng thời xuất hiện những đồ gốm hoa nâu vẽ theo gốm hoa lam.
Các dòng men
Gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng được thể hiện qua mỗi thời kì khác nhau để tạo nên những sản phẩm đặc trưng khác nhau: men lam xuất hiện khởi đầu ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm; men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kĩ thuật men lam; men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, men này mỏng, màu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí nổi tỉ mỉ; men xanh rêu được dùng kết hợp với men trắng ngà và nâu tạo ra một đòng Tam thái rất riêng của Bát Tràng ở thế kỉ 16–17 và men rạn là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỉ 16 và phát triển liên tục qua các thế kỉ 17–19.
Con đường gốm sứ là sáng kiến của nhà báo, Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ với mục đích làm đẹp không gian công cộng bằng chất liệu gốm sứ truyền thống thông qua phong cách thể hiện của các nghệ sĩ đương đại bằng nguồn kinh phí xã hội hoá. Sau gần bốn năm triển khai thực hiện, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” đã thu hút sự tham gia của 20 hoạ sĩ Việt Nam, 15 hoạ sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, “Con đường gốm sứ” đã có độ dài tổng cộng 3,85km và tổng diện tích đạt 6.950m². Đoạn tranh được Guinness công nhận và trao bằng kỷ lục “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” là đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử”. Đoạn tranh này có chiều dài 810m, tổng diện tích hơn 1.570,2m². Theo bà Beatriz Garcia Fernandez, chuyên gia thẩm định, đại diện cho Tổ chức Kỷ lục Guinness, tác phẩm “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” đã vượt qua kỷ lục trước đó của bức tranh ghép gốm thuộc sở hữu của một tập đoàn dược phẩm Trung Quốc (dài 200,87m - diện tích 1.494,4m²).