Du Lịch Hà Nội Gần Trăm Năm Trước Với Hà Nội Chỉ Nam

Một cuốn sách với đầy đủ những chỉ dẫn địa lý, các điểm du lịch, thậm chí các địa chỉ mua bán, dịch vụ… từ cách đây gần một thế kỷ vừa được ấn hành. Không chỉ vậy, bảng tra cứu rất kỹ càng những tên phố, tên đường ở Hà Nội bằng cả tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Việt sẽ khiến bạn đọc thấy thú vị, khi nhận ra những con phố thân quen bây giờ trước đây mang tên gì.

Đó là cuốn sách nhỏ xinh “Hà Nội chỉ nam” của tác giả Nguyễn Bá Chính, lần đầu tiên được xuất bản năm 1923 do nghiêm Hàm ấn quán in. Cuốn sách được coi là một cột mốc đáng tham khảo của cả một dòng sách cẩm nang mang tính hướng dẫn du lịch, hành chính về Hà Nội, thuộc loại đầu tiên của nền xuất bản chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20. 
Cuốn sách chỉ vỏn vẹn 150 trang chưa kể các phụ lục Hà Nội xưa qua bưu thiếp và phụ lục quảng cáo, nhưng thông tin về Hà Nội thì khá đầy đủ: từ gốc tích cái tên Hà Nôi, rồi Hà Nội về đời nội thuộc, Hà Nội về đời độc lập, từ khi người Pháp mới sang, rồi trở thành thành phố, các phố Hà Nội theo biên tự A.B.C, các địa chỉ cần thiết, các hội lớn như Khai Trí Tiến Đức, Công Thương đồng nghiệp hội, Trí tri hội, rồi hội bảo hộ những trẻ con Tây lai vô thừa nhận…, nhà trường, hàng cơm và phòng trọ, đường xe điện trong thành phố, xe ô tô, tàu thủy, các điểm dạo chơi trong thành phố và ngoài thành phố, các danh thắng… Tất cả được liệt kê đầy đủ, khá chi tiết và không quên những thông tin “ngoài lề” của tác giả, chẳng hạn như đi xe lửa từ Hà Nội lên Vân Nam, thì hành khách “phải viết thơ xin trước ba ngày để quan lãnh sự còn làm giấy, hoặc hỏi các giấy má ấy trong khi cần đến, khi đi qua ga Hà Khẩu thì có người lính cảnh sát Pháp sẽ giao giấy thông hànhc ho người hành khách đã xin”… 

Về những danh thắng ở Hà Nội, mà nổi bật nhất là Hồ Gươm, được tác giả mô tả là “một cảnh trí thiên nhiên rất cổ rất đẹp của Hà Nội”. Khá nhiều thông tin được ông ghi lại tỉ mỉ, như vào thời Lê, hồ là nơi tập thủy quân, nên còn có tên gọi là “Thủy sư hồ”. Ông còn viết: “Đi có ý trông bờ hồ về phía phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) còn có một cái quán, trông hình nưh cái cổng xây bằng gạch, thấp mà đứng trơ trọi một mình, ấy nguyên là di tích của một ngôi chùa “Báo Ứng” ngày xưa, sau phá chùa đi để làm đường mà còn để cái cổng gạch ấy lại, lưu làm kỷ niệm. 
Những thông tin trong sách, bây giờ sẽ trở nên vô cùng lạ lẫm với người đọc, vì không hình dung được Hà Nội từng thế này: dân số Hà Nội bao gồm 74.615 người An Nam, 3.016 người Pháp, 2.344 người Trung Hoa, 711 người Minh Hương, 96 người Ấn Độ, và 52 người Nhật Bản. Chi tiêu của Hà Nội thì có thu nhập mỗi năm là 1.159.650 đồng, chi tiêu mỗi năm cũng hết chừng ấy. Thành phố chia ra làm ba khu vực: phố Tây, phố An Nam (khu vực các phố Hàng) và phố Thành (khu vực trong thành Hà Nội). 
Bạn đọc cũng khó có thể hình dung nổi một Hà Nội với khí hậu tháng nóng nhất mùa hè là 31,4 độ (tháng 5), tháng lạnh nhất cũng chỉ 14.3 độ (tháng 12). Nhiệt độ trung bình các mùa trong năm dao động từ 18,32 độ đến 29,6 độ, thật khác xa Hà Nội của một rừng bê tông hiện nay: “Xét ra, khi hậu thành phố Hà Nội cũng trung bình thôi, mùa hạ tuy có nực, song không mấy ngày nực oi, mùa đông tuy có rét, song không mấy ngày rét phạm, mùa xuân thì ấm áp, mùa thu thì mát mẻ. Mưa trung bình độ 1 thước 8 tấc tây, từ tháng tư đến tháng tám là mùa mưa to, còn giêng hai thì hay mưa phùn, một chạp thì hay mưa dầm”. 
Phần cuối của cuốn sách, như nguyên bản, có in kèm các tờ quảng cáo từ nhà thương đến hiệu may, hiệu ảnh đến bảo hiểm…, với kiểu in và chữ viết ngày xưa, trên màu giấy cũng giữ nguyên bản… 
Giống như một hành trình xuyên ngược thời gian, cuốn sách “đời đầu” về Hà Nội này cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn hết sức thú vị về thành phố của một thế kỷ trước, không chỉ đầy ắp giá trị tham khảo mà còn đem lại niềm vui nho nhỏ cho những bạn đọc yêu Hà Nội.