Xác định chè là cây trồng thế mạnh và chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; trong những năm qua, Thái Nguyên đã dành sự ưu tiên, tập trung các nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè. Cây chè Thái Nguyên không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà còn là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu của người dân địa phương. Sản phẩm chè của Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên |
Cây chè (Camelia sinensis) được trồng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng tập trung ở hầu hết các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và Tây nguyên. Mỗi giống chè có tính thích nghi với một vùng sinh thái nhất định, nhưng do được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng nên các giống chè được chọn trồng ở Thái Nguyên cho chất lượng cao hơn hẳn mà các nơi khác không thể có được. Nói đến cây chè và các sản phẩm chè (còn gọi là Trà), hiện nay cả nước có 2 sản phẩm - chính đó là chè xanh truyền thống và chè đen. Trong đó, chè Thái Nguyên là sản phẩm chè xanh đã có từ lâu đời, với tên quen thuộc “Chè búp”, “Chè Thái”, chất lượng thơm ngon đặc biệt, thương hiệu nổi tiếng không những trong nước mà còn mở rộng ra cả thế giới. Người “thưởng trà Thái Nguyên” cũng gắn với phong cách, bản sắc văn hoá đặc sắc rất riêng của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, với An toàn khu Việt Bắc, “Thủ đô gió ngàn”.
Hiện nay, cây chè tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế, xã hội. Sản phẩm chè được người sử dụng ngày càng rộng rãi với nhiều phát hiện mới lợi ích cho sức khỏe. Chè không chỉ có giá trị về dinh dưỡng cao, có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lão hoá mà từ nguyên liệu chè còn chế tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao có giá trị như dược phẩm, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm, đây cũng là một hướng mới đầy tiềm năng cho ngành chè trong nước và tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là tỉnh Trung du miền núi Bắc Bộ nằm liền kề phía Bắc thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 353.318 ha, dân số gần 1,2 triệu người. Tỉnh Thái Nguyên nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thái Nguyên không chỉ gắn với chiếc nôi của ngành công nghiệp luyện kim, là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, tiềm năng phát triển du lịch với khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc, suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng, khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa... mà Thái Nguyên còn được biết đến là thủ phủ của chè, là vùng chè trọng điểm của cả nước.
Bà con nông dân xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên) thu hái chè |
Cây chè được trồng ở Thái Nguyên từ gần 100 năm trước với nhãn hiệu chè "Con Hạc" của đất chè Tân Cương - Thái Nguyên (nay gọi là chè Bạch Hạc). Chè Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng bởi thương hiệu chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) - nơi được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" mà còn nổi tiếng bởi có nhiều vùng chè ngon khác như: La Bằng (Đại Từ); Minh Lập (Đồng Hỷ); Tức Tranh (Phú Lương); Phúc Thuận (T.X Phổ Yên)... Sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt rộng khắp ở thị trường trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới như: Trung Quốc, Pakitstan, Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Srilanca... Những đặc trưng của chè Thái Nguyên đã trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao. Sản phẩm chè đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên và đạt kỷ lục quốc tế dành cho "Top các đặc sản quà tặng có giá trị ở Châu Á".
Xác định được tiềm năng và thế mạnh của cây chè, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo ưu tiên đầu tư phát triển cây chè, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp để lãnh đạo thực hiện, cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án, dự án và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Nhờ đó, cây chè Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế là cây công nghiệp mũi nhọn, thế mạnh của tỉnh, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh là gần 21.000 ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 62,5%. Nhờ việc thay thế giống mới gắn với ứng dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt chè búp tươi, nên kết quả sản xuất của ngành chè Thái Nguyên đã mang tính đột phá. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 1.000 ha chè, diện tích chè tăng 2.500 ha so với năm 2010; sản lượng chè búp tươi đạt gần 200.000 tấn; chất lượng và giá trị các sản phẩm chè Thái Nguyên không ngừng được nâng cao.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh với đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thị xã Phổ Yên |
Để hỗ trợ phát triển cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án nâng cao năng lực trồng, chế biến chè, trong đó tập trung vào việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao; xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn; xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn; hỗ trợ sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các tỉnh, thành phố trong cả nước, sự tham gia của các quốc gia trồng, chế biến, xuất nhập khẩu chè, đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã tổ chức thành công Liên hoan Trà quốc tế lần thứ Nhất - Thái Nguyên, Việt Nam năm 2011 và Festival Trà Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ 2 năm 2013. Đây là sự kiện kinh tế, văn hóa có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè và du khách trong nước và quốc tế. Festival Trà Thái Nguyên đã tạo nên hiệu ứng thúc đẩy tích cực mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và văn hóa. Tạo được niềm tin, phấn khởi, tự hào cho người trồng chè cũng như các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè. Thông qua đó, vị trí, vai trò của cây chè được khẳng định, giá trị của cây chè và sản phẩm chè được nâng lên.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Thái Nguyên lựa chọn nhiệm vụ phát triển cây chè là một trong những nội dung trọng điểm, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục phát huy thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao, với các sản phẩm truyền thống. Đồng thời, quan tâm phát triển các sản phẩm chế biến công nghiệp; chú trọng đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh thị trường và phát triển bền vững. Xác định mục tiêu: “Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm” là mục tiêu “hàng đầu”, đảm bảo sự tồn tại và phát triển hiệu quả, bền vững của “Chè Thái Nguyên”; tạo ra bước đột phá mới trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến cùng với việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên, gắn với phát triển văn hóa, du lịch, lịch sử an toàn khu Việt Bắc. Tiếp tục đổi mới chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư tạo ra sự bứt phá về tăng trưởng giá trị sản xuất, tăng tỉ trọng và hiệu quả kinh tế của ngành chè; đổi mới, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi ngành hàng chè từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Nhân dân xã Tân Cương trình diễn sao vò chè theo cách thủ công truyền thống trong ngày xã đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 |
Mục tiêu mang tính chiến lược, lâu dài để phát triển bền vững cây chè Thái Nguyên ngang tầm các nước có thế mạnh về cây chè là từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè tập trung để hình thành vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học; cơ giới hoá, tự động hoá khâu sản xuất, thu hoạch. Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu giống mới, ứng dụng quy trình canh tác tiến tiến, hiệu quả xây dựng vùng nguyên liệu chè búp tươi với các sản phẩm phong phú, đa dạng, an toàn, chất lượng cao để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài chế biến công nghiệp, chế biến công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chè có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao về nông nghiệp nói chung và cây chè nói riêng.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thống nhất cao về nhận thức: Cây chè là cây sản xuất sản phẩm hàng hoá thế mạnh đặc biệt của tỉnh; cây chè không chỉ là “Cây xoá đói giảm nghèo” mà là “Cây làm giàu”, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên về mọi mặt. Từ đó thống nhất cao về mục tiêu, những giải pháp, tập trung nguồn lực, cụ thể hoá bằng Nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động toàn Đảng, toàn dân thực hiện.
Hai là, các sở, ngành, địa phương chủ động xác định nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực ngành, địa phương phụ trách, cụ thể bằng các Chương trình, Đề án, Dự án, xây dựng cơ chế, chính sách tích cực, tập trung bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Ba là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vật tư: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm sinh học sử dụng cho cây chè; quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm. Trong đó thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hoá học, thuốc hạn chế sử dụng và cấm sử dụng đối với cây chè; Hỗ trợ xây dựng hệ thống mạng lưới bảo vệ thực vật và phát triển mô hình dịch vụ bảo vệ thực vật đến tận cơ sở để tham gia nhiệm vụ quản lý và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được xác định, có thể đặt niềm tin rằng cây chè và các sản phẩm chè Thái Nguyên sẽ khẳng định vị thế, thương hiệu nổi tiếng và sức cạnh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Đó là niềm tự hào và là quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên./.