“Đến Việt Nam, tôi rất thích uống chè của Hãng Chính Chè Thái Nguyên hương thơm, mát dịu vị chát và ngọt đặc trưng”. Chị Ta-nhi-a, du khách người Nga dừng chân ở T.P Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp chúng tôi tại cửa hàng bán chè Thái đã chia sẻ như vậy.
Thành phố Vũng Tàu là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan, mua sắm; trong đó có cả khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh các mặt hàng như: Đồ lưu niệm, đồ hải sản, quần áo, giày dép... thì chè Thái Nguyên là một trong những mặt hàng được bán rất chạy. Chị Nguyễn Thị Dung, ở số 32, đường Đội Cấn, T.P Vũng Tàu cho biết: Nhà tôi bán chè Thái đã 15 năm nay. Hiện, trung bình mỗi năm nhà tôi bán được gần 6 tấn chè búp khô, với giá bán dao dộng từ 150-500 nghìn đồng/kg. Để chè giữ được hương vị thơm ngon, tôi thường bọc chè trong 2 lớp nilon và bảo quản ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Trước đây, để có một ấm chè Thái ngon giữa đất Vũng Tàu quả là hơi khó vì đường sá xa xôi, chè được vận chuyển vào đến nơi thì đã không còn mùi thơm nữa. Nhưng giờ đây, giao thông thuận lợi, chỉ sau 2-3 ngày đặt hàng là chúng tôi đã có chè ngon để phục vụ tận tay khách hàng. Chúng tôi thường bán cho khách quen, các nhà hàng, khách sạn, các tàu đi biển... Chị Dung cũng cho biết, từ sau khi diễn ra Liên hoan trà Quốc tế - Thái Nguyên Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức cuối năm 2011, sản phẩm chè Thái được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đặt mua nhiều hơn.
Khách nước ngoài cũng rất thích mua loại chè này để về làm quà vì tiện lợi, bảo quản được lâu. Chị Vi-a-nha và Ta-nhi-a, 2 du khách người Nga nói: Chúng tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, lần nào về cũng tìm mua chè Thái Nguyên về làm quà cho bạn bè, người thân. Bởi chè Thái thơm ngon nổi tiếng đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.
Dạo quanh thành phố Vũng Tàu, chúng tôi thấy có rất nhiều cửa hàng bán chè Thái. Từ các cửa hàng sang trọng đến quán bán đơn giản bên vỉa hè đều ghi rõ mác chè Thái Nguyên. Đặc biệt, dù chưa một lần được trực tiếp thu hái, sao chè nhưng người thưởng thức chè ở đây đều rất “sành” trong việc phân biệt chè ngon. Chị Nguyễn Thị Xuân, ở phường 4, T.P Vũng Tàu cho biết: Chè Thái ngon thường có cánh săn nhỏ đều, cong như móc câu. Lấy một dúm chè đặt trong lòng bàn tay thấy có mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt nơi đầu lưỡi; đó là loại có hương vị thơm ngon rất đặc biệt mà các loại chè khác khó bề sánh kịp.
Hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hộ dân trồng chè của Thái Nguyên đã từng bước áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Từ các khâu: Lựa chọn nguồn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản và vận chuyển chè đều được tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt. Chẳng hạn như, trong quá trình chăm sóc, bà con chỉ bón bằng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh; không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, không phun hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu); thời tiết khô hạn có tưới nước đầy đủ, hái đúng một tôm hai lá để có chè ngon và nhanh cho ra búp lứa sau. Hệ thống tôn quay, máy vò chè cơ bản được làm bằng inox, chạy bằng điện. Sản phẩm chè cũng đã được hút chân không để giữ được hương vị đặc trưng. Nhờ vậy, đã giảm chi phí về công lao động, đem hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đời sống người dân vùng chè vì thế cũng được cải thiện nhiều.