Ngồi ngắm Phố Hà Nội nói chuyện thưởng trà
Ở Việt Nam, việc thưởng (thức) trà tuy không coi là "Đạo", nhưng đã mang tầm nghệ thuật cao siêu mà những dân tộc tự hào có trà đạo từ lâu đời cũng phải suy ngẫm, bởi cái cốt lõi không phải là nghi thức, mà bằng tất cả các giác quan, cảm nhận được sự vi diệu, tinh túy của đất trời và tình người.
Trà có ở Việt Nam từ rất sớm. Theo một tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội, người ta đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè đã có từ thời kỳ đồ đá sơn vi (văn hóa Hòa Bình). Còn những ai đã từng đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái ở độ cao hơn 1.400m, đều vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước những cây chè cổ thụ người ôm không xuể.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã có cuộc thống kê, theo đó, có tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ tuổi từ 200 đến 300, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Chè cổ thụ nhiều đến nỗi, Viện sĩ K. M. Giem-mu-khát-de, thuộc Viện Sinh hóa A. Ba-cu, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây), khi đến Suối Giàng nghiên cứu phải thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới" (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng).
Các nhà nghiên cứu còn khẳng định: "Chè Suối Giàng không có biểu hiện của sự di thực", tức là càng củng cố luận cứ "Suối Giàng là tổ quốc của chè thế giới". Chè cổ thụ Suối Giàng còn là "mẹ đẻ" của 50% diện tích chè trên cao nguyên Châu Mộc, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu nổi tiếng cho chè Mộc Châu.
Việt Nam ta có rất nhiều loại chè ngon nổi tiếng đã được khẳng định theo thời gian như: Chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái), chè Shan Tà Xùa (Sơn La), chè lục Mai Châu (Hòa Bình)... Đặc biệt, cái thú thưởng trà được tinh chọn qua thời gian sao mà tao nhã, cao quý! Ta hãy cùng đọc lại mấy câu thơ của cổ nhân: "Chè tiên nước kín nguyệt đeo về" (Nguyễn Trãi), trăng náu mình trong bình nước, nhà thơ đem về để pha trà tiên. Chỉ một chén trà đã nâng hồn người bay bổng, trà và cảnh với con người hòa quyện, tương giao có chiều thoát tục. Tiên cảnh đấy mà rất đời thường, gần gũi.
Các cụ xưa thường uống trà mộc được sao suốt công phu với một cách thức nghiêm cẩn. Tiên sinh Cao Bá Quát cũng từng khuyên:
"Uống trà xin chớ ướp hoa
Ướp hoa khó nhận đâu là trà ngon".
Bởi người sành trà, thưởng trà mộc, khi cảm nhận được tinh túy của trà, hội tụ những hương vị được chung đúc ngàn năm, sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác trân quý tuyệt vời ấy. Chưa nói đến đó là thú chơi sang trọng mang hơi hướng thoát tục. Song một số người lại có cái thú uống trà ướp hoa và thường ướp sen, nhài, ngâu, cúc, sói... nếu như thưởng trà mộc, người ta cảm nhận được cái hồn của trà, thì với trà ướp hoa, hương vị tuyệt luân của trà hòa quyện với hương hoa tinh khiết, làm cho con người được thư giãn trong một sự thăng hoa, cộng hưởng.
Chỉ riêng việc sao tẩm, ướp hoa, rồi pha và thưởng trà đã là một nghệ thuật có tính bí truyền, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản lấy hoa úp chén qua đêm, rồi hôm sau khi rót trà vào là hương hoa thoảng thơm man mác, có hương hoa thanh cao mà không làm mất đi hương vị của trà.
Ai đã từng đọc văn của cụ Nguyễn Tuân chắc sẽ đều trầm trồ thán phục sự sành điệu của cụ và những nhân vật - những đệ tử của trà qua những trang văn sâu sắc và tinh tế. Đâu phải ngẫu nhiên mà cụ Nguyễn Tuân cho nhân vật của mình dán câu đối của cụ tú Hải Văn ở hai bên cổng:
"Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu".
"Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai".
Cuộc sống đời thường bề bộn, có được giây phút hiếm ấy có thể gọi tên là hạnh phúc có chi là không đúng, vì nhiều khi hạnh phúc ta cứ tưởng ở đâu đâu, trong khi luôn hiện hữu bên mình, mà ai đó biết trân trọng, nâng niu cuộc sống mới được ban tặng. Và kẻ "ăn mày" trà trong truyện "Những chiếc ấm đất" của cụ Nguyễn Tuân, sành sỏi đến độ chỉ nhấp mấy ngụm trà nhỏ, đã phát hiện trong ấm trà vương vài cánh trấu, có lẽ trên thế giới này có một không hai.
Các cụ xưa uống trà không chỉ để cho "mát tim, phổi, giải khát, ngủ ngon" (Lê Quý Đôn), thưởng thức hương vị thơm ngon kỳ thú, mà bên ấm trà, người ta còn tìm một mối tri kỷ tri âm, luận bàn thế sự, giãi bày những quan điểm về mọi mặt của đời sống xã hội... Uống trà là một thú vui phong lưu, tao nhã, là một cách bồi bổ, di dưỡng tinh thần.
Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời có nói: "Cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì đủ biết, cái thú uống trà không thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc, chứ không huyên náo như bây giờ" và "Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà". Một chén trà mà chứa đựng bao điều sâu xa. Đúng như cụ Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: "Trong một ấm trà ngon, người ta thấy có một mùi thơ và một vị triết lý".
Bên ấm trà, người ta thấy toát lên cái tinh thần "Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định" - tức là lấy cái trong sáng tĩnh lặng của cõi lòng để chế ngự cái vạn biến của đất trời (dù có dữ dội như sấm sét), lấy cái thanh cao để vượt lên cái tục của đời thường (Lời vua Lý Thánh Tông dặn nhiếp chính Ỷ Lan). Có khi các cụ vừa thưởng trà vừa bình văn, ngâm thơ từ lúc "trời còn tối đất", trong bầu không khí tĩnh lặng và tinh khiết, công phu và tao nhã ấy con người "vận động thần khí kì diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong.
Mỗi buổi ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất" (Nguyễn Tuân). Uống trà mà như thế quả là tiên trà vậy. Thiên nhiên, con người và trà - tinh túy của đất trời như đồng điệu trong mối giao hòa Thiên - Địa - Nhân sâu sắc.
"Trà ngon phải có bạn hiền", có khác nào Bá Nha phải có Chung Tử Kỳ. Nhưng uống lúc nào, đến đâu là vừa và như thế nào là phải phép. Tổ tiên ta đã đúc kết:
"Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Nhất nhật cứ như thử
Lương y bất đáo gia".
Có nghĩa là:
Buổi tối uống ba ly rượu (nhỏ)
Bình minh uống một chén trà
Ngày nào cũng như vậy
Thầy thuốc không phải đến nhà
Xưa các cụ mời nhau thưởng trà vào sáng sớm, chay tịnh, để cảm nhận được cái tinh túy của trà giữa đất trời. Con người, thiên nhiên và hương vị trà giao hòa, đồng điệu như những người bạn tri âm, tri kỷ. Thú thưởng trà đã mang tầm văn hóa mang tinh thần và cốt cách của người Việt, thể hiện lòng mến khách cùng sự thanh cao, mang hơi hướng thiền, giúp con người vơi đi sầu muộn, gần gũi chan hòa với nhau hơn.
Ngày nay, uống trà và nghệ thuật thưởng trà đã và đang được lưu giữ, phát huy như một giá trị văn hóa cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc. Vào một buổi sáng tinh sương nào đó, bạn hãy mời mấy người bạn tri âm, pha một ấm trà ngon đúng cách, cùng nhau thưởng thức hương vị thanh tao của trà, cùng nhau suy ngẫm về nghệ thuật thưởng trà của các bậc tiền nhân.