Tết Việt Thời Lý

Tết Việt Thời Lý

Tết Việt ngày nay được gọi là Tết cổ truyền, cơ bản vẫn giữ được nét xưa cũ của cha ông dù là ở thành thị hay khi sinh sống ở xứ người, mà biểu tượng tập trung ở câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh". Vậy vào Thời Lý nghìn năm trước, khi các yếu tố quốc gia, dân tộc bắt đầu đông kết vững chắc khỏi sự lệ thuộc phương Bắc thì Tết Việt diễn ra như thế nào?
Tết Việt là cách gọi Việt hoá tiết Nguyên Đán, tiết quan trọng nhất mở đầu một năm mới. Tiếng Hán đán là buổi sớm mai, nguyên là đầu tiên, nguyên đán là buổi sớm mai đầu tiên (của năm mới). Năm mới hiện nay theo lịch nhà Chu, lấy tháng Dần là tháng giêng, theo kinh Dịch là quẻ Thái, âm dương cân bằng và giao hoà, phù hợp cho vạn vật sinh sôi phát triển (lịch nhà Hạ lấy tháng Tý là tháng giêng, ngày nay dân ta vẫn quan niệm ngày Đông chí trong tháng Tý là thời điểm vị thần cai quản năm cũ bàn giao cho vị thần cai quản năm trước lịch nhà Thương lấy tháng Sửu là tháng Giêng). Để cho năm mới mọi sự phát triển tốt đẹp người ta bày biện lễ vật cúng tổ tiên và thần linh phù hộ, xua đuổi tà ma quỷ quá tránh xa. Người ta cũng có nhiều nghi thức và lời nó trong những ngày Tết để cầu mong những điều tốt lành đến với mình và mọi người.

Vời thời Lý, sử sách ghi lại không nhiều nhưng vẫn có thể hình dung một số nghi thức trong mấy ngày Tết như sau:

Tối Ba mươi, vua thân hành đến yết kiến Thái hậu tại cung Đồng Nhân nơi Thái Hậu ngụ. Sau đó Vua về cung cho mời các tăng đồ cao cấp đến để làm lễ tống trừ ma quỷ. Thời Lý dân rất mộ Phật, vua cấp điệp độ cho làm tăng lữ và triều đình có hệ thống quan chức riêng, chức quan cao nhất là Quốc sư.
Thời điểm giao thừa, mọi nhà có mâm cỗ cúng trời đất ở ngoài sân và đốt pháo ở cổng để xua tà ma và đón năm mới.
Sáng mùng một, Vua ngự ở cung Vĩnh Thọ để Thái tử và bá quan đến chúc mừng. Rồi Vua đến cung Trường Xuân cúng tổ tiên. Cúng xong vua đến cung Thiên an ban yến. Các phi tần xếp hàng ngồi theo thứ bậc. Các thái giám đứng hầu phía trước. Thái tử và bá quan lạy mừng và tiến rượu ba lần. Xong nghi thức là hưởng yến, Thái tử ngồi trên lầu. Bá quan ngồi ở phía tây. Tiệc đến trưa mới tan, trước cung Thiên An dựng thêm Đài Chúng Tiên hai tầng tam cấp ngói bạc là nơi Vua ngự yến. Bá quan chín lần tiến rượu dâng Vua.
Trong dân gian cũng có mâm cỗ cúng tổ tiên rồi đốt pháo tiễn năm cũ đóng năm mới. Tiếng nổ của pháo cùng cây nêu trước nhà đủ sức xua đuổi tà ma xâm phạm vào nhà. Những người dân vẫn cẩn thận treo bùa đào trước của và dán tranh Chung Quỷ trong nhà để ngăn tuyệt đối không cho tà ma bén mảng. Mâm cỗ sáng Mùng một cũng có đông đủ con cháu để chúc thọ ông bà cha mẹ, trẻ nhỏ sẽ được lì xì mừng tuổi. Sau khi hạ cỗ mới bắt đầu đi chúc Tết. Các bà mẹ chuẩn bị sẵn mâm lễ lên chùa cầu Phật phù hộ năm mới mọi sự an lành, Trai gái cũng lên Chùa hái lộc Phật. Buổi chiều bắt đầu các trò chơi dân gian ở sân đình. Đấu sức có đánh đu, kéo co, vật, gà chọi. Đấu tài thì có pháo đất nổ to, thi đi cà kheo, thi đi cầu thùm, bịt mắt bắt dê, bắt vị dưới ao, bắt chạch trong chum. Đấu trí có thi tổ tôm đếm, đấu cờ hỏi. Thi văn nghệ có thi hát vi, hát ghẹo, hát xoan, hát Quan họ.
Ngày mùng hai, bá quan được ở nhà làm lễ gia tiên và đi thăm nhau.
Ngày mùng ba, vua ngự lầu cửa Đại Hưng (cửa Nam) xem hoàng tử và các quan thái giám ném tú cầu. Mọi người cho rằng ai đón tú cầu mà không để rơi là gặp may mắn. Trong dân gian vẫn diễn ra trò chơi, ca hát. Riêng những người có học thì đi lễ thầy, sau này dân ta gọi mùng ba là ngày Tết thầy.
Ngày mùng năm, vua mở tiệc Khai hạ, sau đó cho phép các quan đươc đi thăm vườn thượng uyển và các danh thắng ở hoàng cung.
Ngày mùng bảy, dân gian hạ cây nêu và mở tiệc Khai hạ. Theo quan niệm xưa, mùng bảy là ngày hợp với chữ nhân, nếu tiết trời trong sáng thì năm ấy người mạnh khoẻ, bình an, sinh sôi đầy đàn nên nhà nào cũng ăn tiệc Khai hạ. Triều đình thì cấp cho binh sĩ mỗi người 300 tiền và một tấm lụa đỏ, khao xôi và cá kho. Ngày nay dân ta gọi ngày mùng bảy là ngày hoá vàng mã, hết Tết, để ngày hôm sau ra đồng. Điều này cũng phù hợp với quan niệm xưa cho rằng ngày mùng tám đứng chữ cốc, hợp với sản xuất nông nghiệp.
Thời Lý còn một tiết rất quan trọng nữa là Tiết Thiên Thành, tức là sinh nhật vua. Thời Lý Thái Tổ, ngày nay vua sai lấy tre kết thành ngọn núi Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc, trên núi làm hình chim muông chạy muôn vẻ kỳ lạ, lại sai người bắc chước tiếng của cầm thú làm vua, vua ban yến cho bầy tôi. Thời Lý Thái Tôn thì làm núi Vạn Tuế Nam Sơn bằng tre ở Long Trì, kiểu làm năm ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường thọ, trên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình trạng các giống chim bay, thú chạy, lưng chừng núi có rồng thần quấn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con hát thổi sáo thổi kèn trong hang núi hát múa làm vui; cho các quan ăn yến. Quy chế núi năm ngọn bắt đầu tư đấy (theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư") Chữ Thọ tỉ Nam Sơn là từ điển tiết này.