Danh nhân văn hóa trà Việt Nam

Danh nhân văn hóa trà Việt Nam

I/ Các danh nhân văn hóa trà Việt Nam

Trong không gian văn hoá Á Đông, sự phát triển của văn hoá trà là một thực tế sinh động của nghệ thuật sống, nghệ thuật cảm nhận ngày càng thăng hoa và bay bổng. Trà không chỉ bước vào thế giới thi ca vào thế kỷ thứ VIII, Đời Nhà Đường trên cả đất nước Trung Hoa rộng lớn, mà còn là nguồn cảm hứng cho giới văn nhân của nhiều dân tộc Á Đông.
Ở Việt Nam, trà hiện diện trong văn học dân gian thông qua ca dao, hò vè, câu đối, tục ngữ truyền khẩu và văn chương với những bài thơ kiệt tác của các nhà văn lừng danh xưa và nay. Tập quán uống trà thời xưa của danh nhân, luôn biểu lộ một nhân sinh quan, một nếp nghĩ, một nghệ thuật sống, một cái nhìn bao quát về cuộc đời trong một chén trà. Tâm hồn thi nhân Việt Nam luôn cởi mở, hài hoà, trong tinh thần nhân ái, cảm thông chia sẻ là nét đặc trưng của đạo đức truyền thống Việt Nam. Ngoài việc thưởng thức cái đẹp bình yên trong cuộc sống, để được thanh nhàn trước thế sự trần tục mênh mông bể khổ, uống trà còn biểu hiện một sự ẩn mình trong đáy lòng để nhìn lại sự đời đầy trắc ẩn khôn lường.
Tuy nhiên, trên cái nền chung của truyền thống dân tộc, mỗi tác phẩm thơ ca ra đời trong mỗi thời đại lịch sử - xã hội khác nhau, mang tự sự, nỗi niềm và ý chí riêng tư thể hiện trong các danh nhân Việt Nam (Trà luận. Nguyễn Bá Hoàn, 2003).

Các danh nhân văn hóa trà Việt Nam

- Chu Văn An (tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt) là một đại quan nhà Trần, Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì - Hà Nội).
Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Công bên bên kia sông Tô, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Từ Giám. Sau khi mất được vua Nghệ Tông ban tước Văn Trinh Công sau đó thường được gọi là Chu Văn Trinh, thọ 79 tuổi.
Tác giả bài thơ Xuân đán (Buổi sáng xuân)
- Nguyễn Trãi, một vị anh hùng dân tộc, một nhà hoạt động chính trị xuất sắc, một đại văn hào, một danh nhân văn hoá thế giới. Coi trà như một giá trị thư giãn và thẩm mỹ, một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn con người trần tục, Nguyễn Trãi đã trút hết phiền muộn trong bài thơ “Loạn hậu đáo Côn Sơn”;
- Lê Thánh Tông, nhà vua quyết đoán, giàu nghị lực, nhiều tài năng chính trị, tư tưởng quân sự và thi văn. Trong bài thơ “Lại vịnh cảnh mùa hè” đã mô tả cảnh ngâm thơ uống trà với bạn tri kỷ;
- Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng lớn ảnh hưởng đến văn phong học phong một thế kỷ. Phong cách uống trà và rượu mời khách, tại quán bên bờ am Bạch Vân nơi bụi xe không bám đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả “Pha trà, chim lánh khói, Ngâm thơ thừa tiêu dao”;
- Lê Quý Đôn, nhà bác học uyên thâm với quan điểm lý khí, biện chứng, đầy bản sắc văn hoá dân tộc viết về cây chè Thanh Hoá trong “Vân đài loại ngữ”;
- Nguyễn Du nhà văn hoá dân tộc và thế giới mô tả thú vui uống trà là đầu câu chuyện, chất kết dính người với người sát lại bên nhau, chất điều chỉnh hành vi xã hội của con người trong “Truyện Kiều”;
- Phạm Đình Hổ, nhà văn cảm nhận về thú vui uống trà, cùng với ông bạn Tô nho sinh hoà mình với thiên nhiên, bên bờ sông bóng cây so le, mảnh trăng in trên mặt nước trong veo, gửi tâm tình vào cây cỏ, ngâm vịnh trong “Vũ trung tuỳ bút”;
- Nguyễn Công Trứ, con người thiết tha yêu nước, yêu dân, giúp triều đình dẹp loạn, khai khẩn dinh điền, có cá tính mạnh mẽ, sống phóng khoáng, độc đáo, một phong cách tài tử, nhà nho tài ba, có chí lớn nhưng không gặp thời tả về thú vui uống trà trong “Câu đối dán chơi”;
- Cao Bá Quát với sức sáng tạo dồi dào, phong phú, sống sôi nổi, mạnh mẽ, tài hoa kiệt xuất, với cái nhìn sắc sảo, tiến bộ, một nhân cách cao thượng, trong sáng, một tình thương dành cho người cùng khổ, một tình cảm rộng lớn mang ý nghĩa nhân đạo, có bài thơ uống trà “Vị minh kệ đồng Phan Sinh tọa”;
- Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà thơ trào phúng và châm biếm quan lại đương thời, day dứt và cay đắng than thở cho sự bất lực của bản thân một thày đồ bất mãn với thời cuộc, mượn chén trà để quên thế sự trần tục đảo điên khôn lường trong bài thơ “Anh giả điếc uống chè”.
- Nguyễn Tuân, nhà văn sành điệu về thưởng thức trà tàu, một thú vui thư giãn và thanh lịch của con ngươi kẻ sỹ Thăng Long, rơi vào cảnh túng bấn, lãng tử, mà vẫn còn thói hào hoa phong nhã uống trà tàu. Tâm sự của một thời dĩ vãng đã qua đi mãi mãi, tìm về thời vàng son của quá khứ đã được mô tả trong “Vang bóng một thời”;
- Xuân Diệu, nhà thi sỹ của tuổi xuân, của tình yêu và ánh sáng, với nguồn sống dạt dào, mà tiếng thơ là tiếng reo vui năn nỉ, sự chân thành cảm xúc, những tình ý rạo rực biến lẫn trong thanh âm. Tình yêu, con người và cuộc sống của Xuân Diệu thể hiện trong Chè Suối Giàng và Chén nước;
- Cù Huy Cận, nhà thơ gắn bó với thiên nhiên xứ Nghệ vừa trữ tình, vừa khắc nghiệt, có những con người cần cù hay chữ, với cuộc sống lãng mạn và khôn khó. Nhà thơ gắn bó với làng xóm, đình chùa, bến nước, cây đa ca ngợi người cha dạy sớm tinh mơ đi cày trâu, hút thuốc lào trong “Uống nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon” của quê hương;
- Tố Hữu, nhà thơ của cách mạng Tháng Tám 1945, lớn lên và kết tinh với cách mạng. Nhà thơ mắt ngắm “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” của Việt Bắc, tai nghe tiếng hát trên sông, cúi nhìn con đường rộng thênh thang tám thước mới mở. Rồi tiếp đó là ngẩng đầu lên trời xanh lồng lộng, trong mạch thơ cuồn cuộn và ào ạt như thác chẩy “Ta đi tới !” sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu của nhân dân Việt Nam;
- Anh Thơ, nhà thơ nữ mô tả cách ngắm nhìn nông thôn nhiều bằng lặng, nhưng khao khát sống và yêu đương của một thiếu nữ tiểu tư sản bâng khuâng u buồn, bằng những cảm xúc về tiếng hái chè dào dạt, những nét đẹp của cuộc sống mới trong “Tiếng hát hái chè” ở Nông trường Cửu Long vào những năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

II/ Trà trong thi văn Việt Nam qua các thời đại lịch sử

Có thể phân loại sự xuất hiện của trà trong thi văn Việt Nam theo các thời kỳ sau:
a. Thời kỳ phong kiến tập trung ở Việt Nam, bắt đầu từ thời Ngô Quyền (939 - 944), dành độc lập, đánh quân Tấn Cao Tổ - Nam Hán, tương ứng với thời kỳ Thập nhị sứ quân ở Việt Nam (966 - 968). Trải qua các thời kỳ Nhà Lý (1009 - 1225), Nhà Trần (1225 - 1400) và Nhà Hồ (1400 - 1407) chống họa xâm lăng Nhà Tống và Nguyên Mông, Văn hoá Việt Nam đặc biệt nở rộ với Phật giáo, Đạo Lão và Đạo Khổng từ Trung Quốc truyền sang (XI - XIV). Xây dựng chùa Một Cột, Quán Thánh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tháp Phổ Minh; phát triển Đông y Tuệ Tĩnh, nghệ thuật Chèo, Tuồng; xây dựng thành Tây Đô (1397).
Trong thời kỳ này, chỉ mới sưu tập được câu nói về Trà đạo của nhà sư Viên Chiếu (990 - 1091).
b. Thời kỳ Hậu Lê (1428 - 1788), Lê Lợi chống đô hộ Nhà Minh, thành lập Hậu Lê; lấy Đạo Khổng làm quốc đạo, nhưng vẫn còn ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo Lão; bắt đầu tiếp xúc với Hà Lan, Portugal, sự xâm nhập của Kitô giáo và sáng tạo ra chữ quốc ngữ; thời kỳ Nguyễn (phương Nam) Trịnh (phương Bắc) phân tranh. Kinh tế, văn hoá phát triển, ra đời Bộ Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông về cải cách điền địa.
Các danh nhân văn hoá trà gồm có Chu văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... viết về uống loại trà tàu sợi rời.
c. Thời kỳ hiện đại thế kỷ XIX - XX
Trong những năm 1900, Việt Nam mới chỉ có vườn chè tươi hộ gia đình miền Trung du và chè mạn vùng núi phía Bắc của người Dao. Thời Pháp thuộc ở Việt Nam mới phát triển chè công nghiệp tại Bắc Kỳ sau khi thành lập Trạm Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Phú Thọ năm 1918, Quảng Nam và Tây Nguyên. Những năm 1935 - 1940 Việt Nam đã xuất khẩu trà xanh và đen sang Bắc Phi và Tây Âu.
Vào giữa thế kỷ XX ở Việt Nam, các nhà văn hoá như Nguyễn Tuân, Vương Hồng Sển, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Anh Thơ... đã viết về thú vui uống trà tàu của sỹ phu Bắc Hà, văn hoá trà cung đình, văn hoá chè tươi nhân dân lao động, ca ngợi rừng cọ đồi chè Việt Bắc, cây chè cổ Suối Giàng, chè xanh xứ Nghệ và đôi bàn tay người phụ nữ hái chè ở Hà Tây.
Trong thời kỳ đổi mới đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã hội nhập vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam phát triển mạnh sản xuất chè, đứng trong 10 nước sản xuất và xuất khẩu trà hàng đầu thế giới. Văn hóa trà được bàn luận nhiều hơn các thời kỳ trước và nhiều hoạt động văn hóa trà đã được tổ chức. Bao gồm Hội thảo Văn hoá chè 1997 tại TCTCVN, Triển lãm Hội chợ Vân Hồ 1999, Hội chợ trà hoa 2002 tại Công viên Tuổi Trẻ - Hà Nội, Hội thảo chè chất lượng cao 2003 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp, Hà Nội. Xuất bản Tạp chí Kinh tế - KHKT Chè, Người làm Chè, Thế giới Chè, Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), đăng nhiều bài về khoa học - văn hoá chè Việt Nam.