Từ trước cũng như bây giờ, khi nhớ về Hà Nội, nói về Hà Nội, đều nhận rằng đây là mảnh đất của tinh hoa, của văn minh. thanh lịch. Hà Nội, kể từ thời Thăng Long cũng đã nghìn năm tuổi, cả nghìn năm thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, đồng thời giao lưu quốc tế, thời sau thường xuyên hơn, lắm vẻ hơn thời trước. Cho nên Thăng Long-Hà Nội là kinh thành, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất nước, thịnh vượng hơn các vùng, tạo ra nền tảng vật chất cũng cao hơn cho sự phát triển văn minh, lối sống...
Ngoài ra chốn Kinh kỳ Kẻ chợ xưa nay vẫn là nơi cạnh tranh, đọ sức, đua tài, phải nghề tinh, tài cao mới trụ nổi, mới phát triển được. Vì vậy cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa.
Ví như các danh nhân thì phần đông là tứ xứ tụ về nhưng họ đã hấp thụ được văn hóa kinh kỳ và làm nên sự nghiệp chính là ở Thăng Long-Hà Nội.
Hay nói về bách nghệ thủ công thì cũng từ muôn nơi đến, rồi tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất và khó tính nhất là Kẻ Chợ. Kim Hoàn từ Ðịnh Công, Ðồng Sâm; thêu từ Hướng Dương, Quất Ðộng; khảm trai từ làng Chuôn; sơn quang, sơn mài từ làng Bằng... những nghề nào trụ lại được là do đã đạt tới mức tinh xảo, điêu luyện. Ðiều đó một phần do sự rèn rũa của Kẻ Chợ và từ Kẻ Chợ.
Mặt khác, dân cư tứ xứ về Hà Nội cũng đem theo những phong tục lề thói địa phương rồi cũng lại chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ mà thành ra nếp sống "thanh lịch Hà Nội", những lề thói dở thì rơi rụng, bị bào mòn dần theo thời gian.
Thực tế đó đã tạo nên những phẩm chất của tinh hoa Hà Nội. Trước hết, đó là chất thông minh và điệu nghệ. Thông minh thì nhạy cảm, nghĩ nhanh, lắm sáng kiến, lắm phát hiện, đồng thời cũng năng động, luôn tạo ra cái mới. Ðiệu nghệ nên khéo tay, tinh tế, sản phẩm (vật chất và tinh thần) đều tinh xảo giàu thẩm mỹ. Lại kể đến lòng nhân hậu. Kẻ Chợ là thương trường lớn mà con người vẫn giữ được lòng nhân hậu, thương người như thương thân. Dân tứ chiếng quần cư mà hoà đồng, mà nương tựa vào nhau cùng sinh tồn.
Cũng phải kể đến tính ham học, chuộng văn hóa, yêu nghệ thuật văn thơ. Người thủ đô xưa cũng như nay coi thất học là một nỗi niềm đau khổ. Do ham học, chịu học nên mặt bằng dân trí cao, lắm người thành tài.
Rồi đến chất thanh cao, lịch lãm, mà ý nghĩa bên trong là lòng tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý văn hoá trong làm ăn, ứng xử cũng như sinh hoạt hàng ngày, từ ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật. . . Nghệ thuật cả trong ẩm thực, dù lúc đói lúc no, cũng không xô bồ, không tạp.