Then Thái Nguyên Trong Dòng Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại

Thực hiện chủ trương về việc xây dựng Hồ sơ đề cử Quốc gia “Then Tày - Nùng - Thái” đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Then Tày - Nùng của tỉnh Thái Nguyên cũng được tham gia vào hồ sơ quốc gia Then Tày - Nùng - Thái. Cuộc sưu tầm, phục dựng di sản then Thái Nguyên đã được Viện Âm nhạc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên khảo sát thực tế, thực hành, trải nghiệm, tọa đàm về then của Thái Nguyên trong đời sống văn hóa. 

Nếu nói Việt Bắc “cái rốn của then dân tộc Tày Nùng là ở tỉnh Cao Bằng”, nơi có nhiều truyền thuyết, sự tích giải thích về nguồn gốc ra đời, nhiều nghệ nhân then thực hiện diễn xướng loại hình nghệ thuật độc đáo này thì ở Thái Nguyên “rốn” then là ở huyện Định Hóa - một vùng đất cổ, nơi định cư lâu đời của dân tộc Tày Nùng có nhiều tiềm năng về lịch sử văn hóa. 
Thực hiện hồ sơ đúng trình tự để đạt được hiệu quả, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rất bài bản, kỹ lưỡng trong khâu phối hợp với Viện Âm nhạc. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi như tỉnh Thái Nguyên ta có một đội ngũ quần chúng các hạt nhân văn nghệ phong phú là các nghệ nhân dân gian ở hầu hết các đơn vị hành chính trong tỉnh, thì cũng có những khó khăn vì các nghệ nhân tuổi đã cao, một số đã không còn, cư trú ở các  vùng núi giao thông không thuận tiện, chưa được tập hợp đầy đủ khi cần thiết. 
Hát then trong lễ hội cầu hoa do nghệ nhân Ma Ngọc Chỏi (xã Phú Tiến, huyện Định Hóa) thực hiện
Tranh thủ được “tiềm năng văn hóa” bấy lâu nhiều người đã cất công sưu tầm, tập hợp, tư liệu hóa, kế thừa một số dự án cùng sự nhiệt tình ủng hộ của đồng bào dân tộc vùng ATK Định Hóa; qua các cuộc dàn dựng: lễ hội cầu mùa, lễ kỳ yên; lễ cầu hoa, nối số; tổ chức tọa đàm khoa học về di sản Then tỉnh Thái Nguyên chúng tôi đã thu được kết quả đáng mừng. 
Nét đặc trưng cơ bản then Thái Nguyên là then nghi lễ. Then chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong đời sống văn hóa của dân tộc. Thông thường một năm tứ quý, xuân thu nhị kỳ thì mùa xuân là mùa của then. “Theo then lên mường trời” tức là dịp các thầy then đi giúp người dân làm lễ kỳ yên, kỳ phúc, giải hạn. Hình thức này có ý nghĩa giúp cho bà con làng bản bình yên, khang thái. Khi người ta có bệnh tật thì “thuốc phải tra, ma phải cầu” cũng dùng then. Những người có căn cao, số nặng, người muốn cấp sắc bắt buộc phải tổ chức làm lễ cấp sắc cũng phải nhờ sự hợp sức của các thầy then. Quan niệm về chu trình đời người của dân tộc Tày, Nùng cũng là “sống gửi, thác về”, có số kiếp luân hồi. Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, người Tày, Nùng Thái Nguyên vận dụng nhiều hình thức của then để “hóa giải” cho những trường hợp người muốn làm lễ. Nhiều thầy then, thầy Pụt đã dùng then để giải quyết, xử lý tình huống cho con người trong trường hợp ốm “thập tử nhất sinh” để rồi “cải tử hoàn sinh” cho con người được sống lại. Từ lúc sinh ra lớn lên tiếng đàn tính, hát then đã theo người Tày, Nùng đi suốt cuộc đời đến khi khuất núi. Đã có nhiều bài hát đặt lời mới sử dụng làn điệu hát then cổ tiếng hát dặt dìu, tha thiết khi bay bổng được nhân dân các dân tộc ưa thích muốn được hát, được biểu diễn phổ biến trong nhân dân. 
Giá trị nghệ thuật của then Thái Nguyên cũng là giá trị chung của loại hình nghệ thuật then trong dòng chảy di sản văn hóa của dân tộc. Vấn đề di sản ấy cần được trân trọng bảo tồn, cần có chính sách văn hóa đãi ngộ để tạo điều kiện cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật then có cơ hội thực hiện hành nghề. 
Trao đổi với các nghệ nhân Lưu Xuân Lai, Ma Ngọc Chỏi, Ma Doãn Khánh là những người hiện đem cây đàn, tiếng hát đi giúp nhân dân làm lễ trong các dịp kỳ yên, cầu cát, cầu mùa, cúng mụ, cấp sắc… tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân cũng là mong sao được gìn giữ mãi mãi được bộ môn nghệ thuật then. Để gìn giữ được các bài hát, bài cúng bằng tiếng dân tộc là đã khó, chưa kể đến phiên dịch các văn bản chữ Hán Nôm cổ của ông cha còn để lại còn khó hơn. Nhiều nghệ nhân hát then khác ở trong tỉnh mà nhiều người chưa biết đến như ông Nông Ký Thay, ông Đinh Đại Dương ở xã Phú Cường (Đại Từ),  ông Nguyễn Đình Lá ở xã Trung Lương, ông Nguyễn Ngọc Lanh ở xã Phú Tiến (Định Hóa),… lớp trung tuổi như Ma Phúc Kiệm, Ma Đình Sung ở xã Bình Yên, Ma Đình Phụng, Ma Thị Lan ở xã Điềm Mặc, lớp trẻ tuổi hơn mặc dù ít nhưng vẫn có như cháu Hoàng Thu Phương (14 tuổi) ở xã Quy Kỳ, Ma Văn Ngọc (26 tuổi) ở xã Tân Dương… Định hướng của then dân tộc trong việc bảo tồn là không sưu tầm nhanh, một cách hệ thống đầy đủ thì có lẽ then sẽ thất truyền, bởi lẽ một nghệ nhân then còn sống thì vốn then còn tồn tại, nhưng khi mất đi cũng đồng nghĩa là di sản văn hóa cũng mất theo.
Nghệ nhân Ma Đình Phụng, xã Điềm Mặc huyện Định Hóa
Qua các hoạt động trên ta thấy, then Thái Nguyên chảy mạnh trong dòng chảy âm nhạc truyền thống dân tộc. Người góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian này chính là các nghệ nhân dân gian, kể cả những nghệ nhân chưa được công nhận. Qua con số nắm bắt được thì huyện Định Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng di sản then và nhiều nghệ nhân trình diễn then hay nhất với đủ lứa tuổi: già, trung, trẻ tuổi đều có. Nguyện vọng chung của họ là: muốn bảo tồn nghệ thuật then; cuộc tìm kiếm, sưu tầm góp phần xây dựng hồ sơ then đạt tới đích là: tìm được những nét riêng của then Thái Nguyên trong vùng Việt Bắc.
Then Thái Nguyên mang sắc thái của vùng đất “hội tụ” và “tiếp xúc” (chữ dùng của Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài “Bắc Thái - Anh là ai?” viết năm 1985), cho nên phải chắt lọc ra đâu là giá trị tiêu biểu của then Thái Nguyên. Đối tượng quan tâm đó là then ở huyện Định Hóa. Trong tất cả các tiết mục nghi lễ diễn xướng then, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã tốn khá nhiều giấy mực viết về cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian này nhưng dù then ở đâu miền vùng nào đi chăng nữa. Người Tày có câu: “Ở đâu có người Tày Nùng thì ở đấy có then, đàn tính”, có nhà nghiên cứu ở Thái Nguyên cho biết ở Trung Quốc cũng có then, họ cũng hát, diễn xướng giống ta. Việc đó là đương nhiên không có gì lạ, cái mà nhà quản lý văn hóa muốn là bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản then là bảo tồn gìn giữ cái bản sắc riêng có, cái khác với cái của họ có. Các tiết mục trình diễn then trong vườn hoa muôn sắc, muôn hương then được thể hiện của các nghệ nhân tiêu biểu của Thái Nguyên cho thấy, then Thái Nguyên là một trong những di sản văn hóa dân tộc mang ý nghĩa bản sắc riêng của người Tày, Nùng Thái Nguyên. Hòa vào dòng chảy bộ môn nghệ thuật dân tộc then Thái Nguyên sẽ mãi mãi được người dân tộc mình nâng niu trân trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ đời sống văn hóa tinh thần. Cuộc sưu tầm, nghiên cứu, điều tra, trải nghiệm về then Thái Nguyên để cùng với cả nước lập nên hồ sơ hoàn chỉnh về Di sản văn hóa then Tày - Nùng - Thái đề nghị UNESCO đưa vào danh sách là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng chung một tiếng nói rằng, then là nghệ thuật diễn xướng dân gian đã đi vào tâm thức của dân tộc, là tiếng nói tâm tư, tình cảm, là di sản ngày nay càng phải được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam.