Năm Mới Đi Cầu May Tại 10 Ngôi Chùa Linh Thiêng Nhất

1. Phủ Tây Hồ - cầu tài lộc 

Được xem là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất Hà Nội, Phủ Tây Hồ là chốn thắp hương cầu phúc không chỉ của riêng người dân thủ đô mà còn của đa số du khách khắp nơi khi đến thăm đất Hà thành với hy vọng sẽ có một năm đầy may mắn và an lành. 
Phủ Tây Hồ tọa lạc trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước đó là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông của Hồ Tây. 

Bước chân vào ngay đầu làng là ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh - người phụ nữ tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên dân gian đã thần thánh hoá tôn bà làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa đón chào một năm mới, khách hành hương đổ về đây nườm nượp, vừa đi lễ Mẫu xin ban điều lành và mọi sự may mắn, vừa là dịp để thưởng thức cảnh đẹp Hồ Tây.   

2. Đền Bà Chúa Kho - xin lộc rơi lộc vãi 

Dân gian truyền miệng rằng, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới, nhờ đó sẽ có được một năm 'tiền vào như nước' và kinh doanh thuận lợi. Vì thế, nhiều các thương gia, nhà doanh nghiệp đều muốn vào được cửa Bà. 

Đi lễ Bà Chúa Kho từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh.
Đầu xuân năm mới, hàng ngàn khách thập phương lại đến chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa Kho vừa là để cầu mong một năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc nhưng cũng là tạ lễ Bà đã phù hộ cho của những người đến xin 'lộc rơi lộc vãi'. 

3. Đền Trần - xin ấn 

Lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại Nam Định luôn tấp nập du khách, dù chỉ khai ấn vào đêm 14 nhưng mới mùng 7, mùng 8 Tết, phủ Thiên Trường Nam Định đã tấp nập du khách đến thắp hương, thưởng ngoạn đầu xuân. 

Tương truyền, ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h ngày 14 tháng Giêng.
Vì thế, hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về đây mong xin được ấn vào thời khắc linh liêng ấy. Du khách phải xếp hàng chờ, xin thẻ rất lâu từ trước đó, hoặc đến thời điểm khai ấn chỉ vì muốn xin được ấn vua ban lúc nửa đêm.

4. Quốc Tử Giám - xin chữ 

Đi xin chữ thánh hiền vào sáng mồng Một tại Quốc Tử Giám, lòng người cho lẫn người xin đều như phơi phới và thanh tao. Nhiều bậc cha mẹ cùng con cái ríu rít tới xin chữ. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu năm mới luôn tấp nập khách trong và ngoài nước ra vào, chủ yếu là những học sinh, sinh viên đến để cầu mong chuyện học tập trong năm mới sẽ luôn được suôn sẻ và thuận lợi. 

5. Chùa Hà - cầu duyên 

Nằm ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, chùa Hà được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm như một trong những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng nhất. 

Người đi chùa Hà không sắp lễ nhiều như ở những chùa khác, đơn giản chỉ là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau và một thứ không thể thiếu là tiền lẻ đựng trong một chiếc khay. Du khách đến đây thường là những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người gặp nhiều chuyện gia đình không vui hay những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm luôn được tốt đẹp. 

6. Đền Bắc Lệ - cầu bình an và may mắn 

Nếu chưa có gia đình hay muốn cầu hạnh phúc cho tổ ấm, bạn hãy tìm đến đền Bắc Lệ - ngôi đền cầu tình duyên được dân gian vùng quê nơi đây tin rằng thiêng nhất xứ Lạng cũng như trên đất nước Việt Nam. 

Tọa lạc trên một quả đồi cao, rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi xung quanh, đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là đền thờ Mẫu điển hình ở nước ta, nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn - nữ thần núi. 
Lễ hội đền Bắc Lệ lớn nhất trong năm diễn ra trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch, bao gồm các phần lễ chính: Tắm ngai, chính tiệc, rước... Không khí rộn ràng của buổi lễ hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang với những điệu nhạc và những trang phục màu sắc rực rỡ của điệu múa sanh tiền được người dân nơi đây tin rằng sẽ đem lại may mắn và bình an trong năm mới. 

7. Chùa Duyên Ninh - cầu duyên và cầu tự 

Dân gian thường gọi chùa Duyên Ninh là chùa Thủ, là một điểm tín ngưỡng thu hút rất đông du khách đến cầu may, cầu phúc, cầu duyên và cầu tự hiếm muộn con cái. 

Chùa Duyên Ninh (Duyên Ninh Tự) được xây dựng dưới thời Vua Đinh Tiên Hoàng nằm trong thành Tây Hoa Lư ở thôn Chi Phong xã Trường Yên (Ninh Bình). Chùa từng là nơi vui chơi của các công chúa thời xưa, cũng là nơi Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân con vua Lê Đại Hành đã thề hẹn yêu đương và sinh ra Lý Thái Tông.

8. Chùa Ông - cầu duyên 

Tuy không thuộc loại nhất nhì về quy mô, theo khẳng định của nhiều người, sự linh thiêng của chùa Ông đã nức tiếng xa gần, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến đây để mong tìm được tình yêu chân chính cho mình. 

Tọa lạc ở trung tâm Q.5, TP HCM, xuất hiện giữa chốn đô thị thương mại sầm uất là hình ảnh một ngôi chùa nhỏ mang tên chùa Minh Hương - chùa Ông, chùa Quan Đế Thánh quân nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ tâm linh đến cầu nguyện mỗi ngày của cộng đồng người Hoa và cả người Việt.

9. Đền Chử Đồng Tử - cầu duyên 

Nằm ở Khoái Châu, Hưng Yên, đền Chử Đổng Tử gắn liền với mối tình giữa nàng công chúa Tiên Dung kiêu sa với chàng trai nghèo khó nhưng hiếu thảo rất mực Chử Đồng Tử.

Du khách đến đây không chỉ để dâng hương tưởng nhớ tới một trong những 'tứ bất tử' của Việt Nam cùng hai vị phu nhân xinh đẹp Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa mà còn để cầu mong sẽ tìm được mối nhân duyên cho mình hay gia đình yên ấm trong suốt cả năm.   

10. Am Mỵ Nương - cầu duyên 

Nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội), am Mỵ Nương thờ một bức tượng không đầu được trang trí đẹp mắt và sang trọng. Người dân nơi đây cho biết, bức tượng đó là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.

Cảm động trước chuyện tình sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương và chàng Trọng Thủy, nhiều người tin rằng đến đây cầu duyên sẽ được linh ứng.
Cứ đến dịp đầu năm, người ta lại đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Vì thế mà am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm trong việc cầu tình duyên và hạnh phúc gia đình.