Một trong những phong tục đẹp, nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam trong mỗi dịp tết đó là tục tắm tất niên bằng lá mùi già ngày 30 tết, nó có nguồn gốc từ xa xưa và vẫn được lưu truyền cho đến hôm nay.
Thường vào chiều 30 Tết khi mọi công việc trong nhà đã sắp xếp ổn thỏa, một nồi nước tắm to sẽ được các bà, các mẹ đun trên bếp bằng những bó mùi thơm để cả nhà cùng tắm.
Nếu ai đã từng được tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm ấy, chắc hẳn sẽ nhớ da diết, cồn cào hình ảnh của bà, của mẹ lui cụi trong bếp với một nồi nước to có khói bốc lên nghi ngút.
Đó là những kỷ niệm khó quên của một thời thơ ấu gắn liền với bà và mẹ.
Theo quan niệm của người xưa, tắm nước mùi già vào ngày cuối cùng của năm, con người sẽ được “tẩy rửa” khỏi những điều không may trong năm cũ, sẵn sàng đón chờ một năm mới với nhiều niềm vui và mang theo cả những hy vọng.
Mọi cái vận hạn đen đủi của năm cũ dường như được gột bỏ và giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái.
Với người thôn quê, nó hơn cả mùi của những loại mỹ phẩm đắt tiền ngày thường vẫn dùng. Bởi lẽ, được tắm một thứ hương thơm tự nhiên như thế sẽ tạo cho ta cảm giác dễ chịu, sảng khoái và đầy năng lượng, đồng thời sẽ làm cho da dẻ trở nên mịn màng hơn.
Về mặt y học, rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện, trị chứng phong tà làm đậu, sởi không mọc lên được.
Để có một nồi nước thơm tắm cho cả nhà đảm bảo chất lượng, thông thường người ta sẽ chọn là cây mùi già, được nhổ cả rễ, rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun.
Không cần phải cho quá nhiều rau mùi, ta vẫn có một nồi nước tắm với hương thơm nhẹ nhàng và dễ chịu.
Với một nồi nước mang đậm chất hương vị đồng quê không chỉ xua đi những điều không may trong năm cũ, đem đến một năm mới tốt lành mà còn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Luôn nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, gốc rể của mình.