Thưởng thức nghệ thuật trong Trà đạo Nhật bản

Thưởng thức nghệ thuật trong Trà đạo Nhật bản

Mỗi kiệt tác nghệ thuật là một bản giao hưởng thể hiện những tình cảm tinh tế nhất của con người. Cây đũa thần của cái đẹp, bàn tay người nghệ sĩ, khơi gợi trong ta những giai điệu ta chưa từng biết. Tâm hồn ta là tấm vải căng sẵn trên khung, để bàn tay nghệ sĩ đặt lên đó các màu sắc, những mảng sáng tối nói lên niền vui, nỗi buồn của lòng ta.
Thưởng thức nghệ thuật trong Trà đạo Nhật bản
Trong các buổi thưởng trà, phòng trà thường tuyệt đối trống không, trừ một vài tác phẩm nghệ thuật người ta mang tới đặt vào đó nhằm thỏa mãn yêu cầu mỹ học tức thời. Chẳng hạn, nhân thể cùng nhau thưởng ngoạn trà, người ta mang tới một tác phẩm mỹ thuật đặc biệt, rồi chọn bày thêm vài thứ nữa nhằm tôn cái đẹp của chủ đề chính. Quả vậy, ai có thể cùng lúc nghe nhiều bản nhạc khác nhau? Có tập trung suy ngẫm vào tiêu điểm chính mới có thể giúp người ta thấu hiểu thực chất của cái đẹp.
Đến phòng trà, mỗi tân khách, thông qua sức tưởng tượng và tùy thuộc sở thích thẩm mỹ cá nhân, sẽ hoàn tất hiệu ứng mỹ học theo cách của mình. Kể từ khi Thiền trở thành phương thức tư duy chủ đạo ở Viễn Đông, thì nghệ thuật Viễn đông luôn né tránh biểu thị đối xứng, bởi đối xứng cho thấy sự hoàn tất và trùng lặp. Tình đồng nhất của các họa tiết cũng bị coi là tai hại cho trí tưởng tượng tươi mát. Kết quả là phong cảnh, chim chóc, hoa lá, trở thành những chủ đề được ưa chuộng trong hội họa – chứ không phải gương mặt con người, bởi mặt người đã tồn tại ngay ở những người xem tranh.
Ở phòng trả, ta thấy hiển hiện mọi sự trang trí không trùng lặp. Nếu đã bày lọ hoa tươi, thì nhất thiết không treo tranh vẽ hoa lá. Nếu vò ấm hình tròn thì bình đựng nước sẽ có dáng vuông. Khi đặt lọ hay lư trầm vào trà thất, không đặt đúng trung tâm, làm sao không phân chia không gian thành hai phần bằng nhau.
Các tác phẩm nghệ thuật là một phần không thể thiếu được trong thưởng trà. Các bậc đại trà sư xưa nay chỉ sưu tập những vật thật sự phù hợp với mỹ cảm riêng của mình. Vào thời trà đạo đạt tới tột đỉnh, các tướng lĩnh lập được nhiều chiến công thường mong triều đình tặng thưởng một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm hơn là ban cho thái ấp. Các kiệt tác nghệ thuật được xem như vật thiêng. Các trà sư gìn giữ tác phẩm nghệ thuật như báu vật, muốn xem phải mở cả một loạt hòm để lấy vật báu gói cẩn thận trong tấm lụa mượt mà. Báu vật không mang cho ai xem, ngoại trừ bạn đồng cảm trong buổi thưởng trà.