Người Việt uống chè
Quý khách hàng mua chè của Hãng Chính Chè vốn đã quá quen thuộc với trà, nói một cách dân giã là nước chè: chè xanh, chè mạn, chè ướp sen… Người viết không viết về “trà”, ngụ ý viết về thứ nước chè xanh trong gắn bó với người Việt ta từ xa xưa, trở thành một thứ đồ uống truyền thống khó bỏ, cho dù hàng loạt loại đồ uống “ngoại” tràn về, nào Cô-ca, Pép-si, Cà phê, Sinh tố…
Ấy là bởi người Việt sống với chè từ khi còn tấm bé, rồi lớn lên, sáng sáng nhấp một ngụm nước chè chào ngày mới, vác ủ chè ra đồng tỉ tê những lúc nhàn rỗi, đến tuổi cập kê dựng vợ gả chồng cũng lấy chén chè tạ lễ cha mẹ, hay tiếp đãi hai bên họ hàng bạn bè, đến khi cha mẹ mất cũng dâng một chén chè tạ từ, biết ơn… Gần như mọi nơi ta đến, mọi chốn ta dừng lại đều hiện diện chén chè, bảo sao ta không thể không nhắc đến nước chè như một ví dụ tiêu biểu cho tâm hồn văn hóa người Việt?
Nếu như người Nhật coi thưởng thức trà như một cách “ngộ đạo”, ấy là phải không gian yên tĩnh, trang phục chỉnh tề, lễ phong bài bản, ý nghĩa tôn nghiêm… thì người Việt thưởng thức thứ nước ấy một cách dung dị, đời thường hơn nhiều. Chè của người Việt đơn giản là nắm lá bánh tẻ vặt ở đầu vườn, rửa sạch, bỏ vào cái ấm tích, đun nước già đổ vào rồi mang đi ủ cho nóng lâu. Uống thì uống bằng bát, nhà nào kha khá sắm lấy cái chén sứ không quai. Thứ nước chè tươi ấy trong xanh mát mắt, thơm dịu mà vị hơi ngai ngái. Càng để lâu, vị chè càng đắng, nước chè đục dần. Mấy ông Tây uống không quen, có khi say bằng chết.
Chè mạn thì lại khác. Một số nguồn tin cho rằng chè mạn là thứ chè hạng bét: “Hạng nhất là chè búp, có khi gọi văn vẻ là "chè bạch mao” hay “chè bạch tuyết” nếu búp có lông tơ trắng. Hạng nhì là hai lá chè kế. Lá thứ tư, thứ năm là chè hạng ba. Những lá dưới nữa thì dùng làm chè mạn, rẻ hơn cả.“ Cơ mà không hẳn, một nhà phân tích cho rằng bản thân chữ "mạn” có nghĩa là “mạn ngược”, ý chỉ ở “vùng cao”, chè mạn là chè lấy từ lá chè vùng đồi núi phía Bắc. Người Việt bình thường chỉ nôm na hiểu: chè mạn là thứ chè mà sau khi hái, người ta sơ chế rồi sao lại cho khô, cứ thế đóng gói. Cứ phiên chợ, ông bố lại sai đứa con ra tìm hàng chè quen thuộc, chọn lấy loại ngon nhất, đắt nhất mang về.
Người Việt thưởng thức chè mạn cũng giản dị thế này. Chè có hai lớp hương: tiền hương và hậu hương. Tiền hương là thứ hương chè ngửi được thấy từ khi rót chè ra chén, thậm chí từ khi đổ nước sôi vào ấm chè để tráng chè. Hậu hương là hương chè đọng trong cuống họng sau khi uống. Chè ngon là loại chè cứ càng uống thì hậu hương càng dầy, càng thơm, nức lên cả cánh mũi, còn vị ngọt thì cứ đậm dần lên ở cuống họng.
Chè mạn hay được ướp thêm hương hoa, mà phổ biến nhất là hoa nhài. Cứ đến đầu hè, nhài nở hoa, đem hái lấy cánh hoa ấy mà thả vào hộp đựng chè đến khi hoa héo thì bỏ ra. Có người còn thả ngay vào ấm chè rồi mới đổ nước nóng vào mà thưởng thức. Không nhớ giờ nào hái nhài thì được hương thơm nhất, chỉ biết cứ hái nhài ướp với chè mạn, là thưởng thức được thứ hậu hương thơm dịu đích thị đến từ cánh hoa nhài tinh khiết mới hái.
Lại nhắc đến chè mạn ướp hoa, người Hà Nội luôn tự hào rằng làng Quảng Bá có thứ chè ướp hương sen ngon nhất. Làm chè uống cho nhà mình, thì sáng sớm chủ nhà chèo thuyền ra đầm sen, chọn lấy bông sen đang nở hàm tiếu mà thả chè vào, buộc túm lại, sau đấy một thời gian thì chèo ra hái sen về. Người Quảng Bá gọi đấy là “ướp xổi”, ướp như thế, chè chỉ thơm được độ đôi nước đầu.
Chè ướp sen được làm cho quan lại và những nhà giàu có thưởng thức là chính, thế nên phải được làm công phu hơn rất nhiều. Sáng sớm, người thợ làm chè phải ra đầm hái về những bông sen tươi, nở chúm chím vì khi ấy mùi hương là đậm nhất, mà phải hái thật nhanh, nếu không qua mất thời điểm hoa thơm nhất. Hái về tách lấy nhị hoa, hay được gọi là gạo sen, ướp vào lá chè mạn, cứ thế ướp đến bảy lần, mới coi như được chút chè sen chính hiệu. Chè ướp sen Quảng Bá nổi tiếng được làm công phu tinh tế đến vậy, nên được coi là tinh hoa ẩm thực của Hà Thành.
Vậy là bằng đôi dòng phân tích, bạn đã hiểu thế nào về tục uống chè của người Việt Nam?