Uống trà khơi nguồn sáng tạo cho người Họa sỹ
Họa sỹ thích uống trà, ngâm ngợi và bày biện cho thỏa ý thích thẩm mỹ, và cũng là để dừng tay bút ngắm lại tác phẩm, châm điếu thuốc lá hay tô lại son! Phụ nữ muốn pha trà là để có cơn cớ lôi quà bánh ra ăn, liền anh pha ấm trà là khúc dạo đầu cho một câu chuyện cởi mở, còn các cụ già thì trà là người khách quen mang tên Thời Gian cứ lặng lẽ tham dự mà chẳng lên tiếng bao giờ.
Đi qua miền ký ức, mình nhớ cụ Thế Khang với mái tóc bạc trắng lọm khọm bên đống giấy tờ phác thảo, thỉnh thoảng lại tu thắng từ vòi cái độc ẩm men ngọc bổ múi Bát Tràng. Thế mà cụ cho phắt mình cái ấm, để rồi mình nhẹ dạ bị lão Frank chủ hãng Motorola xin mất. Cái ấm bé nhỏ ấy giờ đang lanh canh ở tận Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhà sưu tập nghỉ kinh doanh ở hãng, chuyển hết tranh mà phần lớn là tranh Việt Nam thời kỳ Đổi mới, đi cất giấu! Và trà cùng với “trà cụ” đã chu du khắp thế giới, gắn bó với đủ hạng người, một cách bí ẩn đương nhiên như vậy đó.
Bộ trà men đồng đen trên khay men rạn bã trà. |
Một cuộc trà của họa sỹ thường kéo dài vài ba tiếng đồng hồ. Để nói chuyện, giãi bày tâm sự, trao đổi thời thế hay chia sẻ ý tưởng? Có thể chẳng để làm gì, một cách hành Thiền dưỡng tâm, hoặc bản năng là nạp thêm nước cho cơ thể. Cũng có thể là dịp rủ bạn đến cho nhận xét bình hoa mới cắm, cùng ngắm nghía món đồ cổ mới mua, xem lại mấy bức ảnh chụp chung hồi bé… Nhưng qua quan sát, sẽ học được nhiều thứ hay trong cuộc trà. Nhìn cái lọ đựng trà của chủ nhân, ta biết hắn tích lũy của cải thế nào. Nhìn cách dốc trà ra tay rồi duồn vào ấm, ta đoán được thị tiêu pha có hào phóng không. Xem cử chỉ rót nước nóng vào ấm, ta nhìn được tính cẩn thận của chủ nhà. Và cả quá trình tráng ấm chén-rửa trà-rót trà ra chén… quyết định 70% câu chuyện ta sắp nói cũng như ánh mắt khi mời trà bóc trần nốt 30% tình cảm thật giữa hai người.
Thật là tế nhị, thật là thẳm sâu. Mắt họa sỹ khác mắt bác sỹ. Bác sỹ chỉ nhìn thấy sự sạch bẩn. Họa sỹ qua một cuộc trà có thể nhìn ra được phần sâu kín của một số phận. Họa sỹ không phải thầy bói, không có trách nhiệm phải đoán định gì, nhưng nếu chịu khó lắng nghe, ta thấy được sự tinh tường về hình về mầu, về tượng về khí, về chất và phẩm… để người nhạy cảm thì chắp lại thành bức chân dung hoàn chỉnh, còn kẻ vô duyên thì lại tưởng đó chỉ là một cơn đồng bóng! Thế mới thấy qua chén trà, nghệ thuật giao tiếp đã đạt đến tuyệt đỉnh thành tựu.
Ấm quai đất men rạn hoa chuối tam thái đỏ. |
Đã đọc qua Trà thư rồi, ai cũng hiểu một cuộc trà phải chuẩn bị những gì. Nhưng mình vẫn viết thêm về món trà xanh – trà pha từ lá trà hái trên cây xuống dùng tươi. Đây cũng là thứ trà nhiều họa sỹ nghiện uống, sau trà Thái Nguyên. 55% các gia đình Việt Nam thường xuyên dùng trà này, đặc biệt các miền quê có trồng cây trà.
Cách pha đặc biệt ở chỗ phải hãm, sau khi rửa sạch loại bỏ sâu thối hỏng, cần vò nhẹ rồi xếp đầy 2/3 vào ấm tích, loại ấm trên 1 lít bằng gốm có quai mây hoặc nhà sang thì quai bạc. Nước ngon (nước mưa hoặc nước lọc sạch) đun sôi đổ lần 1 vào trần trà rồi chắt bỏ, lần 2 đổ ngập, đóng nắp nhồi vào giỏ mây lót bông để ủ, sau 5 đến 10 phút mở ra cho chút nước mát vào, gọi là hãm. Hãm là để nước trà không bị đỏ, vị chát vừa phải. Tất nhiên khi uống còn pha thêm tùy khẩu vị, hoặc đường hoặc mật mía hay mật ong, cho chanh tươi và đá cục nữa. Dân gian thì các cụ cứ rót ra bát chiết yêu, thêm khẩu chè lam hoặc củ khoai, thế là ngồi ngay bờ ruộng mà afternoon tea. Các liền ông thì có thêm bửu bối điếu cày hoặc trầu thuốc nữa. Trà tươi ủ trong giỏ để uống cả ngày, có chuyên thêm nước nóng và đến tối về khi cả nước lẫn bã đã ngả sang màu vàng nâu, thì lại được tận dụng để ngâm chân hoặc rửa đít cho trẻ con. Đối với họa sỹ, nước trà thừa có công dụng nhuộm ngả màu tranh lụa, thú vị lắm.
Ấm tích lớn men rạn hoa cúc chàm. |
Mùa xuân là dịp khắp nơi nơi nhà nhà bày tiệc trà mời khách. Đồ ăn cùng chính là khay mứt Tết, các loại bánh trái phong phú ba miền đất nước, thêm những món thức mang phong vị Tết như đĩa chè kho khuấy bằng đậu xanh dư ra từ nhân bánh chưng, bánh cốm Hàng Than sau khi đã thắp hương cúng cụ phải ăn ngay kẻo date có 3 ngày thôi. Mình rất thích uống trà với mứt sen và mứt quất hồng bì, Hà Nội lắm. Mà mình nhận thấy người thủ đô mới thanh lịch trong cái cần kiệm và tinh tế làm sao.
Thế cho nên Hà Nội mới nhiều họa sỹ thế, và các quán trà mới có cớ mà mọc lên giữ chốt nơi từng ngõ phố, từng cổng trường cổng cơ quan. “Chén chè đi?!”… thật là một câu popular bậc nhất, ở nước ta.
Và rồi khi giang hồ đã mỏi cánh hoặc sau một cơn lên voi xuống chó, có quyết định gì thì cũng nhớ lần mò về nhà, pha một ấm trà, ngồi uống với con mèo cũng được. Đến ngày mai sẽ lại là một ngày mới thôi.