Mộc mạc chè xanh

Mộc mạc chè xanh

Quê tôi nổi tiếng một thứ nước uống được coi là đặc sản. Ngày trước và ngày nay, mọi đám xá, hiếu, hỷ, vui, buồn đều không thể thiếu. Ðó là nước chè xanh. Vì là nước giải khát, nên người ta dùng bát để uống.
Không biết tự bao giờ, chè xanh đã gắn bó với người dân quê tôi. Còn nhỏ, mỗi tối thứ bảy, u tôi lại chuẩn bị nồi nước chè tươi đặc, mọi người tập trung ngồi nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam, chờ mục “Kể chuyện cảnh giác”. Nước chè xanh được múc từ nồi bằng chiếc gáo dừa có cán bằng cành tre nhỏ, rồi lại được san đều ra các bát sứ, chuyền tay nhau trân trọng, mộc mạc, giản dị mà thấm đậm tình người. Khi hết tiết mục “Sân khấu truyền thanh”, thì cũng là lúc nồi nước đến bát cuối cùng.
Còn nhớ ngày nhỏ, sáng dậy ăn củ khoai lang luộc bở nghẹn cổ với miếng cà muối, uống bát nước chè xanh, người ra đồng, kẻ đi chợ, trẻ đứa đi học, đứa đi chăn trâu, cắt cỏ. Mấy bác thợ cày, khi giải lao, trâu nhởn nhơ gặm cỏ là lúc điếu cày đỏ “nõ”, liên tục phả khói và chè xanh được rót ra từ cái ấm đất mang theo.
Ở quê tôi người ta không dùng chè tươi từ vùng trung du, gọi là chè đồi, cả cành, cả lá non, dập nát qua bao lần vận chuyển, mà chỉ dùng chè vườn tự trồng, nhà nào cũng có, rộng thì một vài sào, ít cũng vài ba miếng, mươi cây đủ uống quanh năm. Chè quê tôi nổi tiếng từ lâu, được gọi là đặc sản. Bạn của cháu về chơi, nghe danh chè, bà hái cho một ít, nó về khoe với bà nội nó. Bà nó hãm uống thấy ngon khư khư giữ một mình vì đặc biệt quá, chưa gặp bao giờ. Ðám thanh niên giờ ít uống chè tươi mà thường dùng chè búp khô. Người có tuổi thì sợ có thuốc sâu, bị phun chất kích thích. Mình đất chè, quê chè thì cứ chè xanh.
Ở quê chè nhưng không phải ai cũng nấu được nồi nước chè ngon. Ðể có nồi nước chè ngon, phải chọn những cây chè già giữa vườn không bị cớm bởi mít, nhãn trong vườn. Người ta không bẻ cả cành chè mà nâng niu, nhẹ tay hái từng lá một. Những lá chè nhỏ, có màu hơi vàng của nắng, răng cưa sắc đều, bóp gẫy tanh tách. Xưa bà nội thường rửa sạch chè cho vào chiếc ấm đất to sau khi nước đã sôi già. Nước nấu chè là thứ nước mưa bà lấy từ chiếc chum cổ đặt dưới gốc cau già. Sau khi cho chè vào phải đun to lửa cho sôi kỹ, bắc xuống ủ trong chiếc thúng có lót rơm khô, trên phủ bao bố, giữ nóng ấm cả ngày. Nước mưa nấu chè xanh ngon nhưng để qua đêm dễ bị thiu, nên chỉ dùng trong ngày. Lỉnh kỉnh, cầu kỳ hơn thì rửa sạch, vò giập, cho vào bình tích, dùng nước sôi tráng qua cho hết mùi ngai ngái rồi hãm, nửa tiếng sau mới uống được. Cả hai cách đều cho nước xanh, đậm đà, vàng óng như mật ong, uống vào thơm ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng, không thứ nước giải khát nào bằng.
Người nghiện thích nước chè “cắm tăm” tức là rất đặc. Nhưng gần trưa hay đang đói bụng mà uống vào thì dễ bị “say”, có cảm giác nôn nao, hoa mắt, chóng mặt. Say rượu dùng cốc nước chè tươi nóng, pha chút đường kính, tỉnh rượu gần như tức khắc. Ðám xá, người ta nấu cả nồi “quân dụng”. Mùa đông, ngày tết, khi nấu nước chè thường cho vào thêm vài lát gừng già, thơm ngon đặc trưng. Uống chè tươi thường xuyên ngừa được ung thư và nhiều thứ bệnh khác. Tin đâu chả biết, người già quê tôi dưới trăm tuổi đều uống chè tươi từ nhỏ.
Bây giờ cây chè quê tôi không còn nhiều. Phần đất vườn thay thế làm nhà, hơn nữa giá trị cây chè không cao. Hái được cân chè mất cả tiếng đồng hồ. Vì vậy nhiều nhà bỏ cây chè đặc sản để chuyển đổi cây trồng nhưng cuối cùng vẫn trở về với cây chè. Không cho giá trị cao nhưng là cây quý, phải giữ lấy. Người cao tuổi sống hoài niệm, bị cho là cổ hủ, kiên quyết giữ lại vườn chè. Xem ra họ có lý.
Chè quê tôi thuộc loại dễ trồng. Vào độ tháng Chín, tháng Mười ta, chè ra nụ, nở hoa, kết trái. Nụ chè nhỏ xinh, xanh ngọc, khi nở hoa cho màu trắng tinh khôi, 5 cánh, nhuỵ vàng rực rỡ. Bướm, ong mật, chim khuyên ào ào, ríu rít bay về hút mật. Trước đây, người ta thường hái nụ chè phơi khô đem bán hoặc để dùng. Nhiều nhà trữ hàng vò nụ chè. Nước nụ chè cũng cho mùi thơm đặc trưng. Quả chè thường có 1 đến 4 hạt, màu nâu, gần giống với hạt dẻ. Rụng xuống vườn tự mọc. Chè trồng ngay hàng thẳng lối, cao 2 đến 3 mét, ưa đất chua, chịu hạn, không có sâu ăn lá, thỉnh thoảng mới gặp cây bị sâu đục thân. Khoảng 10 năm một lần, người ta đốn cây gần sát đất, lấy bùn ao đổ lên vườn. Không phải tốn công chăm sóc, cứ thế cây chè tự lên xanh tốt và chờ tay người đến hái.
Chè được bán khắp các chợ trong vùng. Xưa mua bán chè thường dùng  nón, thúng để đong. Khi mua bán, bao giờ người mua cũng bốc thêm một nắm, còn người bán thì cố tình giật lại vài lá. Ðây có lẽ là tập tục vì cả người mua và người bán đều hài lòng. Ngày nay mua bán chè bằng cân và ít bán ở chợ. Người có công việc cần mua nhiều phải đến tận nhà để hái hoặc đặt hàng. Mấy bà già chuyên gánh chè đi bán rong còn cẩn thận chia chè ra từng túi nilon nhỏ, chỉ vài nghìn đồng là đủ một ấm, đem đến từng phòng trong các cơ quan, từng nhà dân là khách mua quen. Nếu không gặp người ra lấy cứ để ở cửa. Con cháu ở xa về, khi đi không quên mang theo vài cân chè làm quà cho hàng xóm, bạn bè.
Thứ chè tôi kể trên là Chè Mét. Câu thành ngữ “Thần Huống lắm tre, ngon chè chợ Mét”; gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn; ổi Bo, chè Mét, thuốc lào Khai Lai là những sản vật nổi tiếng. Gọi là chè chợ Mét vì chợ chủ yếu bán chè xanh. Chè Mét còn gọi là chè Cổ Việt nay là phần đất hai xã Vũ Vinh và Việt Thuận thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.