Nên dùng bao nhiêu nước cho một ấm trà?

Nên dùng bao nhiêu nước cho một ấm trà?

Từ ngàn xưa, thú uống trà đã nâng lên thành nghệ thuật thanh cao gần như là một thứ đạo, cho nên ở Nhật Bản có Hội Trà đạo. Uống trà để giải khát, nhưng không phải khát mới uống. Người ta uống khi gặp mặt hàn huyên hay chia tay với bạn bè, tri âm tri kỷ.
Người mình uống trà như thú tao nhã, pha trà để uống hoặc mời khách cũng chăm chút công phu. Sự công phu đó, trở thành thứ lễ nghi mà ngày nay lớp trẻ không phải ai cũng biết. Uống trà nhằm đáp lại lòng mến khách của chủ nhân, để bắt đầu tâm sự, một nỗi niềm ngổn ngang, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhằm cảm nhận một tách trà hương vị của đất trời, cây cỏ. Người Việt Nam uống trà từ rất lâu đời, nhưng chưa có ai được gọi là “Trà Sư”. Thưởng thức trà là một nghệ thuật tinh vi vào bậc nhất của nghệ thuật.
Từ xưa, các tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà, đã từng nói: Trà có nhiều nước. Nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đượm đà nồng nàn, sâu thẳm. Đó mới thực sự là ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng lại... không chịu tan đi.
Nước ta có rất nhiều loại trà, trà nguyên thuỷ (còn gọi hậu vị) là loại trà mộc không được ướp hương, người uống mới cảm nhận được nguyên sơ. Loại trà thanh hương, được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau. Nào trà sen, trà lài, trà sói...
Trà sen là thứ trà rất quý, rất ít người ướp đúng phương pháp. Rót tách trà, hương sen dìu dịu, thơm mát, lan toả khắp phòng. Khi nước đã nhạt rồi mà hương sen vẫn còn ngan ngát. Trà sen nên uống vào mùa hạ mới cảm nhận hết được hương thơm của nó. Trà lài nên uống vào những đêm thu thanh vắng.
Trà bạch ngọc, hoa ướp hương của 5 loại hoa trắng: lài, cúc trắng, bông bạch, mộc, ngọc lan. Ngoài ra còn những loại trà bổ dưỡng như mật ong, long nhãn, mật ong nhân sâm... Mỗi loại trà nên pha vào một ấm khác nhau. Trà mộc thì pha vào ấm gốm là thích hợp nhất, trà thanh hương thì pha vào ấm sứ mới dậy được mùi hương.
Uống trà phải dùng chung nhỏ và tuỳ theo tiết trời, bốn mùa: Xuân-hạ-thu-đông, mỗi mùa một kiểu chung thích hợp. Uống trà có thể là độc ẩm (uống một mình) đối ẩm (hai người) quần ẩm (nhiều người), nên danh ngôn có câu: “Trà tam rượu tứ”. Nhưng chắc chắn một điều, không gian của những cuộc trà không bao giờ ồn ào náo nhiệt như uống rượu, uống bia, không mùi tạp như mùi xào nấu, mùi bánh trái và những hương thơm các thứ hoa, ngoại trừ hoa lan và thuỷ tiên, phải chọn chỗ thanh lịch, không gây phiền phức cho thị giác, thính giác... Các bậc sành điệu, buổi sớm uống trà xong mới đốt trầm hương ngồi trong nhà đọc sách.
Cách pha trà của các bậc sành điệu thật văn hoá và khoa học. ấm pha trà bé, lại không dùng nước đang sôi, đổ nước làm hai hoặc ba lần để trà khỏi bị luộc chín – chất trà cứ ngấm dần ra màu vàng sóng sánh. Uống vào cảm thấy hương thơm xông lên tận não bộ, nghe vị ngọt của trà thắm trong cổ họng, khà một tiếng nhỏ khen trà ngon cũng là thể hiện niềm biết ơn sâu xa người mời trà.
Văn hoá trà gắn kết với đời sống và tâm linh người Việt. Nhấp tách trà thơm lừng, con người sảng khoái gần gũi với nhau hơn, đúng là bản sắc đậm đà đã tồn tại qua mấy ngàn năm toả hương trong sự giao hoà của thiên nhiên và đất trời.