Chùa Trấn Quốc - Ngôi Chùa Linh Thiêng Nổi Tiếng Hà Nội

Với lịch sử hơn 1500 năm tuổi đời, được xem là ngôi chùa lâu đời bậc nhất tại kinh thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc vẫn luôn được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất tại Hà Nội, là một trong những di tích lịch sử – văn hóa được thành phố nỗ lực bảo tồn. Hãy cùng Hãng Chính Chè Thái Nguyên tìm hiểu xem nhé!

Chùa Trấn Quốc có tên nguyên khai là chùa Khai Quốc được xây dựng vào thời Tiền Lý năm 541, gần bờ sông Hồng, sau khi bờ đê sông Hồng bị sạt lở đã làm nguy hại đến chùa thì vào năm 1615 đời Lê Trung Hưng chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, được tu sửa và đổi tên thành chùa Trấn Quốc với mong muốn là nơi đem lại cảm giác an yên cho dân, giúp dân xua đi những thiên tai, lo lắng.

Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây – hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội, xung quanh được bao bọc bởi sông nước đem lại cảnh quan phong thủy hữu tình, cảm giác thư thái, trong lành cho những người dân ghé thăm. Chùa như một hòn đảo nổi, tuy nằm tại trung tâm thủ đô mà vô cùng yên tĩnh, thanh tịnh, tránh xa mọi xô bồ, ồn ào.

Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất của chùa Trấn Quốc cũng mang hơi hướng phong thái Phật giáo, gồm nhiều lớp nhà với ba gian nhà chính là: tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện. Đi qua cổng chùa, đi tiếp trên con đường rộng lát gạch đỏ dẫn vào nhà chính, bạn sẽ thấy tiền đường ở chính giữa và đối diện với cổng vào, hai bên bao bọc là nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông, gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính.

Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xem là hiện vật đại diện cho chùa Trấn Quốc. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn, mang ý nghĩa: Hoa sen tượng trưng cho đức Phật thanh tao, dù ở trong môi trường xấu cũng không bị ô uế như loài hoa sen mạnh mẽ vươn mình trên bùn lầy. Bồ đề tượng trưng cho trí giác, trí tuệ vô thượng của Đức Phật cũng như lòng nhân ái của người. Tất cả đều hàm ý cho cái đẹp của Phật.

Ngoài ra, chùa Trấn Quốc cổ kính hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở thượng điện gồm những pho tượng đúc đồng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng, có một ý nghĩa linh thiêng thần bí. Đáng được kể đến nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp nhất ở Việt Nam.

Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy hay bằng xe buýt với các tuyến xe chạy qua chùa là 33 và 50.

Người dân Hà Nội thường ghé lại chùa Trấn Quốc vào những hôm rằm, mồng một, ngày lễ Tết để cầu bình an, chúc hạnh phúc và tìm kiếm sự thư thái trong tâm hồn sau những ngày làm việc bộn bề, mệt mỏi.