Thói quen uống trà của người Việt

Thói quen uống trà của người Việt

Người Việt từ thành thị đến nông thôn  đều uống trà như một thức uống truyền thống, mang đậm nét văn hóa Việt. Trà được coi là một thức uống không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, không những có lợi cho sức khỏe mà còn là nghi thức giao tiếp giữa con người với con người.
Có thể nói trà có mặt trong mọi hoạt động của xã hội của người Việt, từ trong gia đình ra tới ngoài phố, từ các quán nước vỉa hè đến những nhà hàng tiếp khách sang trọng. Trong những dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi, trà là thứ không thể thiếu. Một bộ ấm pha trà là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt.
Cách thưởng thức trà của người Việt cũng mang nhiều nét độc đáo, cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng và không theo chuẩn mực nào. Việt Nam không có trà đạo, cách uống trà của người Việt được coi là nghệ thuật uống có tính truyền thống. Người Việt uống trà theo nhiều kiểu: dân dã có, sang trọng, cầu kì cũng có. Tùy vào thời gian và sở thích riêng mà mỗi người tìm cho mình một cách thưởng trà khác nhau, có thể là chè xanh (chè tươi) cũng có thể là trà mộc, trà ướp hoa… Chè tươi để tiếp đãi làng xóm láng giềng thân mật, trà ướp hoa để đãi thượng khách, khách quý phương xa đến thăm.
Chè tươi vốn là thức uống cổ xưa và phổ biến của người Việt. Cách pha chè tươi cũng có chút khác biệt tùy vào từng vùng. Chè tươi để nguyên lá, rửa sạch, không vò cho vào nồi nấu như tại làng Tiên Lữ, Vĩnh Phúc… Chè tươi rửa sạch, vò nát, nấu để uống từ sáng đến chiều như người Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Chè tươi băm hoặc giã nát, ủ rồi phơi khô rồi mới hãm chè như người Huế….
Người dân ở một số vùng nông thôn, mỗi nhà thường trồng vài gốc chè ở góc vườn, bởi người dân nông thôn có thú ra vườn tuốt mấy nắm lá chè tươi vào hãm một nồi to. Mỗi khi đi ra đồng sẽ không quên mang theo một ấm trà xanh thơm mát (có thể cho thêm chút đường), dùng như một thức uống giải khát. Hình ảnh một làng quê, với cây đa, bến nước, sân đình đã quá quen thuộc với người Việt Nam. Nơi gốc đa đầu làng luôn là một quán nhỏ bán những món quà ăn vặt dân dã, và ở đó không thể thiếu một ấm trà.
Ở các thành phố lớn của Việt Nam, đi đâu cũng có thể bắt gặp những quán trà. Những quán trà đá rất đơn giản, chỉ cần có phích nước, ấm trà, vài cái cốc, vài chiếc ghế, thế là người ta có thể ngồi uống trà và nói chuyện. Không cầu kì trong cách pha chế, cũng không kén chọn người uống, trà đá của người Việt Nam là một nét văn hóa rất bình dị mà cũng rất độc đáo. Khi thưởng thức trà có thể dùng các đồ ăn nhẹ kèm với trà: kẹo lạc, kẹo vừng thanh, kẹo cu đơ, bánh cốm, bánh đậu xanh… Đặc biệt, trong thời kì hội nhập, có nhiều loại thức uống của phương Tây tràn vào Việt Nam nhưng những quán trà đá vẫn thu hút giới trẻ. Điều ấy chứng tỏ sức hút của thứ đồ uống đặc biệt này.
Cao hơn nữa trong nghệ thuật trà của người Việt, phải nói tới nghệ thuật ướp trà, uống trà của người Hà Nội. Muốn trà sen Hà Nội có vị sen đặc trưng thơm ngát thì sen được chọn để ướp trà phải là sen của Hồ Tây. Mỗi cân trà phải dùng từ 1000 – 1400 bông sen để ướp, tùy độ to nhỏ và phải được hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-7 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Bởi vậy, trà sen được dùng vào những dịp quan trọng, dùng để tiếp đón các vị khách quý, bạn tri ân từ xa tới thăm hay dùng làm quà biếu. Ngoài hoa sen, trà còn được ướp với nhiều loại hoa khác nữa. Các loại hoa dùng để ướp trà cũng phải là các thứ hoa quý, thanh tao như: hoa ngâu, hoa sói, hoa nhài, hoa cúc…Cách uống trà ướp hoa này thể hiện được sự sang trọng, lịch lãm, tao nhã nhưng cũng có những người sành uống trà cho rằng uống trà ướp hương sẽ không còn hương vị thật của trà.
Các cụ ngày xưa còn có những hình thức hội trà. Ðó là uống trà thưởng xuân, uống trà thưởng hoa, uống trà ngũ hương. Hội trà là tụ họp những người bạn sành điệu cùng chung vui trong các dịp đặc biệt hoặc có hộp trà ngon, hay có một chậu hoa quý hiếm trổ bông, hay trong nhà có giỗ chạp.
Hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều quán với nhiều loại trà và nhiều cách thưởng trà. Những quán trà này mang không khí hoài cổ và yên tĩnh, mỗi quán có phong cách của riêng, là nơi bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu nhau… đến thưởng trà. Đặc biệt, nó cũng chính là nơi lưu giữ và truyền bá văn hóa trà, nghệ thuật thưởng thức trà của những người Việt Nam. Ở những quán trà hiện nay có sử dụng những loại trà được ướp hương hoa pha chế thành trà hoa có hương thơm đặc trưng của loài hoa đó. Cũng có các loại trà thảo mộc, thường được chia ra làm bốn vị: ngọt, cay, đắng, chát.
Đến với các quán trà Việt hiện nay, người thưởng trà có rất nhiều sự lựa chọn như: trà hoa cúc, trà cung đình, long nhã hồng táo trà, trà hoàng thiên kim cúc… Các loại trà được pha theo nhiều kiểu khác nhau, để phù hợp và theo kịp với cuộc sống hiện đại, đó là các loại như: hồng trà nóng, hồng trà đá, hồng trà sữa, hồng trà sữa ngọc trai… Và không thể thiếu các loại trà cổ truyền như: trà hoa sen, trà hoa nhài, trà mộc…
Trước kia, trà được xem là thú vui tao nhã của những người lớn tuổi, nhưng hiện nay trà đang rất được giới trẻ quan tâm và tìm hiểu về nó. Những quán trà này cũng thu hút rất nhiều khách quốc tế tới thưởng thức. Không gian tại các quán trà Việt được rất yên tĩnh, cánh bài trí đơn gian, gần gũi với thiên nhiên. Một không gian yên tĩnh, những bản nhạc không lời du dương là một không gian phù hợp để thưởng trà.