Về thăm làng chè Thác Dài

Về thăm làng chè Thác Dài

Được anh Trần Nho Hưởng trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương cùng cán bộ xã Tức Tranh dẫn về thăm làng nghề Thác Dài. Ấn tượng để trong tôi về một cán bộ ngành nông nghiệp của cả huyện đó là chính là sự nhiệt tình, yêu cây chè và luôn tìm ra những hướng đi tích cực để giúp bà con trồng chè có một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. 
Anh Hưởng cho biết, điều đầu tiên nếu muốn sản phẩm chè được người tiêu dùng đón nhận chính là sản phẩm chè phải sạch, vì vậy Phòng nông nghiệp huyện đang cùng bà con nơi đây xây dựng sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP (tiêu chuẩn về chè an toàn) và đang có những dấu hiệu tích cực. Phòng nông nghiệp cử các cán bộ phụ trách luôn bám sát địa phương để giúp bà con thuận lợi trong việc đưa các ứng dụng kỹ thuật trong việc trồng, hái.
Cùng việc hướng chuyển đổi những cây chè trung du lâu năm, năng suất thấp chuyển sang trồng cây chè cành với chất lượng, năng suất cao hơn. Con đường nhỏ nhưng trải bê tông phẳng, hai bên phủ thẫm một màu xanh của những đồi chè bạt ngàn dẫn chúng tôi tới làng nghề Thác Dài. Hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn thu hái bên đồi chè xen lẫn những tiếng cười, tiếng nói xoá tan không khí tĩnh mịch vốn có ở những miền quê. Do có điều kiện đất đai, nguồn nước phù hợp cùng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm bón nên cây chè của làng phát triển nhanh, đồng đều, có búp to, mượt. Cả xóm có gần 30ha diện tích trồng chè, chiếm hơn một nửa diện tích tự nhiên. Trong đó có 55 hộ dân sinh sống thì toàn bộ đều trồng chè, lấy cây chè là cây trồng chủ yếu để sinh sống. Từ cuối năm 2008 sau khi đạt các tiêu chuẩn làng nghề, người dân càng tự hào hơn về những thành quả đạt được. Chị Lê Thị Thu Thuỷ, Trưởng thôn Thác Dài cho biết: Diện tích chuyển đổi cây chè trung du sang cây chè cành được 20%, đó là một nỗ lực lớn vì trong khi chuyển đổi cây chè cũ sang cây chè mới phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Nhưng điều phấn khởi cho bà con là sau khi chuyển đổi sang giống chè mới đã đạt được thành công. Những gia đình có diện tích chè chuyển đổi đều khá giả, cũng trên mảnh đất cũ nhưng năng suất cao hơn. Là một trưởng thôn của làng nghề, chị Thuỷ luôn tìm hiểu, tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện về việc chế biến chăm sóc cây chè rồi truyền đạt lại cho các hộ dân trong thôn. Chị Thuỷ cho biết thêm, muốn chè được tiêu thụ rộng điều đầu tiên phải làm cho chè sạch, thế nên việc áp dụng tiêu chuẩn Việt GAP vô cùng cần thiết. Người dân ai cũng ý thức được những lợi ích của Việt GAP mang tới, thế nên họ đều tuân thủ mọi quy trình do cán bộ nông nghiệp chỉ định.
Sống, gắn bó với mảnh đất Thác Dài cùng cây chè từ lâu năm, từng đảm nhận cương vị trưởng thôn, bác Phạm Văn Nang (cùng gia đình) là một trong số các gia đình nghệ nhân làm chè giỏi nhất của thôn. Gia đình bác Nang hiện có gần 1ha diện tích trồng chè, bác cùng gia đình luôn lấy cây chè là cây trồng chủ yếu, xác định đưa toàn bộ diện tích có được đưa vào trồng và chế biến chè. Vì vậy sản phẩm chè của gia đình bác làm ra đến đâu được tiêu thụ hết. Nhâm nhi chén trà nóng, sản phẩm của gia đình bác làm ra, tôi cảm nhận được cái vị thanh mát, ngòn ngọt ở cuống họng rất đặc trưng.
Bác Nang chia sẻ: gia đình chúng tôi cũng không có một bí quyết nào riêng, chỉ có điều khi thu hái đều dùng thủ công theo đúng tiểu chuẩn một tôm hai lá cùng suy nghĩ rằng chế biến chè cần phải có các tâm, vậy thôi! Bác cũng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để đưa các công nghệ mới, chuyển giao kỹ thuật để cùng bà con nơi đây xây dựng một thương hiệu chè mạnh, giúp cải thiện, nâng cao đời sống.
Kết thúc chuyến thăm, anh Hưởng có nói với tôi rằng: điều trăn trở nhất của anh bây giờ là tìm được những Công ty, đối tác để họ đặt, thu mua chè của bà con theo đúng chu kỳ và thời vụ, sao cho sản phẩm chè làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, người dân sẽ càng vững tin hơn.
Đúng như lời Bác Nang chia sẻ, cái tâm chính là một bí quyết lớn nhất để dẫn tới sự thành công của gia đình bác nói riêng cũng như những người dân làm chè của làng nghề Thác Dài nói chung trong nhiều năm qua. Cái tâm của những người nông dân cùng sự nhiệt huyết của các cán bộ nơi đây họ đang cùng nhau đoàn kết để tạo nên những sản phẩm chè sạch cùng một thương hiệu chè ngon để người dân trên mọi miền Tổ quốc thưởng thức, biết đến. Và khi nhắc đến chè TháiNguyên, mọi người không chỉ nói tới Chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Khe Cốc mà còn cả chè Thác Dài.